Đó là một đặc trưng chính trong nhiều ”phim bom tấn” khoa học viễn tưởng, và giờ đây các nhà khoa học đã chế tạo ra một con mắt sinh học in 3D đầy đủ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota đã in một loạt các thụ thể ánh sáng trên một bề mặt hình bán cầu. Và họ tin rằng con mắt sinh học này có thể sớm giúp người mù nhìn thấy được, hoặc người bị tật khúc xạ về mắt nhìn được tốt hơn.
Các chất bán dẫn in 3D có thể chuyển đổi ánh sáng thành điện năng với hiệu suất 25%.
Tiến sĩ Michael McAlpine, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Các con mắt sinh học thường được xem như khoa học viễn tưởng, nhưng giờ chúng tôi đã tiến gần tới nó hơn bao giờ hết nhờ sử dụng máy in 3D đa nguyên liệu”.
Để tạo ra con mắt sinh học, các nhà nghiên cứu bắt đầu bằng một chao thủy tinh hình bán cầu. Sau đó, bằng máy in 3D, họ tạo ra một loại mực nền của các hạt bạc, trước khi in các “điốt quang” – các chất bán dẫn chuyển đổi ánh sáng thành điện năng.
Trong các lần thử nghiệm, đội nghiên cứu thấy rằng các chất bán dẫn in 3D có thể chuyển đổi ánh sáng thành điện năng với hiệu suất 25%.
Đội nghiên cứu đang dự định chế tạo một nguyên mẫu với nhiều thụ thể ánh sáng hơn sẽ hiệu quả hơn. Họ cũng muốn tìm cách để in trên một chất liệu mềm hơn có thể cấy vào mắt thật.