Mỗi ngày, dịch vụ chia sẻ video hàng đầu thế giới truyền đi một lượng dữ liệu tương đương 75 tỷ e-mail, khiến nhiều chuyên gia lo ngại mạng kết nối toàn cầu sẽ "sụp đổ lúc nào không hay".
Đầu thập niên 90, mỗi e-mail chỉ là những chuỗi ký tự dài vài byte. Đến giữa những năm 90, các website kèm hình ảnh xuất hiện và định dạng MP3 cũng ra đời. Người sử dụng bắt đầu muốn trao đổi hàng megabyte ảnh và nhạc, do đó lưu thông mỗi tháng tăng mạnh mẽ.
Chưa dừng lại ở đó, kể từ năm 2003, người ta lại chứng kiến một sự thay đổi khác. Thế hệ người dùng YouTube đòi hỏi khả năng đăng tải video với tổng dung lượng lên đến hàng gigabyte.
"Băng thông mạng ngày một mở rộng, nhưng đặc điểm của video là hoạt động theo thời gian thực. Người sử dụng sẽ không nhận ra sự khác biệt nếu e-mail được truyền đi trễ 9 hay 10 giây, nhưng chậm một giây khi xem video đã là cả một vấn đề", Phil Smith, Giám đốc công nghệ tại Cisco Systems, so sánh.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi mỗi năm người ta lại nghe thấy ai đó dự đoán "Internet sắp sập".
Tuy nhiên, đại diện của Cisco cho biết trong thời kỳ bùng nổ dotcom, hàng tỷ USD đầu tư được đổ vào các tuyến cáp quang. Những gì Internet thừa kế hiện nay đủ để đáp ứng nhu cầu của con người trong một thời gian dài. "Hơn nữa, các thiết bị định tuyến đã trải qua một chặng đường phát triển ổn định và hiện có thể xử lý 92 terabit/giây", Smith nói.
Thế nhưng, ngay cả khi các router có thể đảm đương được mọi dữ liệu nó tiếp nhận từ các tuyến cáp thì vẫn còn tồn tại một vấn đề khác là không phải toàn bộ hệ thống mạng đều được trang bị cáp quang. Rất nhiều đường kết nối vẫn sử dụng dây đồng từ hàng chục năm trước.
Ngoài ra, chỉ cần một trận động đất, như sự cố đứt cáp năm ngoái, cũng đủ khiến một phần cơ sở hạ tầng mạng bị tê liệt.
Nói chung, đa số các nhà cung cấp dịch vụ luôn tin tưởng Internet sẽ hoạt động ổn định, còn những người theo chủ nghĩa hoài nghi lại khẳng định chuyện Internet sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian.