Java: nàng "hoa hậu" hết thời?

  •  
  • 682

Ngôn ngữ lập trình mang tính cách mạng của Sun đã quá quen thuộc với giới phát triển web. Nhưng giờ đây, khi thập niên 90 ngày càng lùi xa, Java cũng dần dần "mọc râu".

Với Peter Yared, Giám đốc điều hành của hãng phần mềm ActiveGrid, Ngôn ngữ lập trình Java gắn liền với một chương quan trọng trong bước đường sự nghiệp của ông. Cuối những năm 90, Yared khi đó là giám đốc công nghệ của NetDynamics, một công ty mà hầu như mọi sản phẩm chủ chốt đều dựa trên nền Java. 5 năm tiếp theo, Yared làm quan chức lãnh đạo ở Sun. Chính vì lẽ đó, thật ngạc nhiên khi Yared lại tuyên bố rằng "Java là một con khủng long" - cũng có nghĩa Java từng có một thời "oanh liệt" thật, nhưng giờ đây, thời oanh liệt ấy nay còn đâu?

Yared có lý riêng của mình khi kết luận như vậy. ActiveGrid - công ty 2 năm tuổi của Yared - đang kinh doanh thứ mà ông gọi là thế hệ máy chủ ứng dụng mới. Chúng vẫn được sử dụng để xây dựng nên các website và phần mềm doanh nghiệp, nhưng hoàn toàn không dựa dẫm vào Java.

Thay vào đó, chúng hướng tới các gói phần mềm nguồn mở, bao gồm hệ điều hành Linux, máy chủ Apache Web, cơ sở dữ liệu MySQL cùng một bộ ngôn ngữ scripting đều bắt đầu bằng chữ P: Perl, Python và PHP. Tổng hợp tất cả những yếu tố đó, viết tắt những chữ cái đầu tiên và bạn sẽ có LAMP - Ngôn ngữ lập trình đời mới.

Thắp sáng web với LAMP

Yared tiết lộ rằng LAMP ngày càng được ưa chuộng và sử dụng nhiều hơn trong việc phát triển thế hệ ứng dụng Web mới, cũng như các công nghệ có liên quan. Còn Java ư? Ly cà phê bốc khói ấy giờ đây giống như một cuốn giáo trình xưa cũ, đã "mọc râu" và hụt hơi khi đuổi theo những phát minh thời đại. Nói một cách khác: Nó đã thuộc về thiên niên kỷ trước rồi.
Có lẽ nào Java - một thời là "hoa hậu của các hoa hậu", "tân thời nhất trong số tân thời", lại biến thành một công nghệ "xác ướp", cũ kỹ, già nua và lạc hậu như máy tính mainframe của IBM hay phần mềm doanh nghiệp của SAP? Thật đáng buồn khi những bằng chứng có được đều khiến ta phải gật đầu.

Hiện nay, Java hầu như chỉ còn được chuộng ở châu Á, ở châu Âu và Bắc Mỹ, nó giống như một cô gái đang dần "hết duyên". Tỷ lệ dùng .NET đã tăng một mạch gần 15%, từ 40,3% lên 54,1% tại Bắc Mỹ, qua mặt cả tỷ lệ dùng Java ở châu Âu và châu Á gộp lại.

Trong một cuộc thăm dò khác, mức độ ưa chuộng PHP tại Bắc Mỹ đã tăng từ 26% năm 2003 lên 36% trong năm nay, nhưng ở cựu lục địa Á - Âu, tốc độ ấy còn nhanh hơn. "Có quá nhiều đối thủ lớn và chúng đang gặm nhấm dần thị phần của Java", chủ tịch của Evans kết luận.

Một dấu hiệu khác cho thấy Java đang bị lạnh nhạt xuất phát từ thị trường sách công nghệ. Theo O'Reilly Media, một nhà xuất bản sách lập trình hàng đầu thì những cuốn có liên quan đến Java bị tụt 4% doanh số so với năm ngoái, trong khi doanh thu của sách hướng dẫn AJAX - một ngôn ngữ lập trình đang chiếm lĩnh các gói phần mềm nguồn mở - lại tăng tới 68%.
Theo báo cáo từ Evans Data Corp, nơi tiến hành thăm dò đều đặn hàng năm về hoạt động của giới phát triển phần mềm, tỷ lệ sử dụng Java ngày càng thưa trong khi LAMP và .NET của Microsoft liên tục bành trướng. Tại Bắc Mỹ, chỉ còn 47,9% số người được hỏi còn sử dụng Java như một ngôn ngữ lập trình chính, so với 51,4% hồi mùa thu 2002.

"Còn khuya mới mất duyên"

Tất nhiên, Sun là người phản đối nhận định này kịch liệt nhất. "Java đã đến thời tàn hay chưa á? Còn lâu. Chúng tôi đều nghĩ nó mới chỉ bắt đầu vào cuộc", John Loiacono, phó chủ tịch điều hành bộ phận phần mềm của Sun tuyên bố.

Để minh chứng cho nhận xét của mình, John chỉ ra hai thực tế: 1. Java vẫn còn rất mạnh trong khối ứng dụng doanh nghiệp phức tạp, quy mô, tinh vi và 2. Java đặc biệt phổ biến trong ĐTDĐ - khi có tới 600 model hiện có trên thị trường đang chạy Java, và cứ 10 mẫu máy hàng Top lại có tới 7 chiếc phát triển dựa trên công nghệ này.

Thật buồn cho Sun, vì các hãng khác không nghĩ như vậy. Ngay cả khi Java vẫn chắc chân trên các thị trường trọng yếu, thì những cuộc phỏng vấn với hơn một chục đại gia công nghệ và nhà phân tích đều cho thấy thị trường đang chuyển động theo hướng không có lợi cho Java.

Điều này khiến không chỉ Sun lo ngại, mà ngay nhiều hãng như IBM, BEA Systems và jBoss cũng phải giật mình cân nhắc lại, bởi họ đang đặt cược khá lớn cho ngôn ngữ lập trình này. Nếu Java mất ánh hào quang, thì sức hấp dẫn của các sản phẩm dựa trên ngôn ngữ này cũng biến mất.

Những ngôi sao mới

Với nhiều đại gia công nghệ như Google và Yahoo!, Java chưa bao giờ chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của họ. Các công ty nhỏ hơn, chuyên về Web 2.0 thì lại đặc biệt chuộng dùng AJAX cùng PHP, thế hệ công cụ lập trình kiểu mới, gọn nhẹ và cơ động. Đây là trường hợp của những hãng như Friendster, Flickr và Facebook. Theo họ, các công cụ đời mới không "kén khách" như Java, những nhà lập trình với kỹ năng và trình độ không quá cao cũng có thể học được cách phát triển ứng dụng rất nhanh chóng.

Theo nhiều nhà phân tích, sự thay đổi này cũng chẳng khác gì những năm 90 của thế kỷ trước, khi Java hất cẳng các ngôn ngữ lập trình truyền thống như C và C+. Giờ thì cộng đồng phát triển đang lũ lượt di cư từ Java sang PHP và AJAX. Từ con số 0 của năm 2000, số website sử dụng PHP đã nhảy vọt với tốc độ tên lửa lên 23 triệu trang.

Hồi mới nổi, Java từng được xem là bài thuốc "giải độc" chống lại sự chuyên chế của Microsoft. Sử dụng Java, các nhà lập trình phần mềm và phát triển website có thể viết ra những chương trình chạy được trên nhiều hệ điều hành khác nhau. Trong địa hạt desktop nơi Windows thống trị độc tôn, Java đã thất bại, nhưng trong thế giới máy chủ, Java đã trở thành một thế lực hùng mạnh.

Với những website và ứng dụng Web đơn giản, người ta không còn cần đến Java. Nhưng khi phải làm thứ gì đó phức tạp hơn, cầu kỳ hơn, đấy chính là lúc phải cầu viện đến sản phẩm của Sun. Khi viết mã trên nền Linux, số tầng (layer) ít hơn nhiều nên bạn cũng không cần đến Java. Tương tự, khi viết các ứng dụng desktop dành cho giới giao dịch, môi giới và bán hàng, nhiều người đã sử dụng công cụ lập trình Visual Studio .NET của Microsoft.

"Thị trường ngày càng cạnh tranh còn khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn. Không ai, dù là người dùng hay một ông lớn, lại chỉ trung thành với duy nhất một công nghệ", Rod Smith, phó chủ tịch công nghệ phần mềm mới của IBM nhún vai. Suy cho cùng, liệu đã đến lúc cất lên một bản valse buồn cho Java hay chưa?

Cầm Thi
Theo VietnamNet
  • 682