Kăng-gu-ru cổ đại không biết nhảy

  •  
  • 1.768

Một hoá thạch 25 triệu năm tuổi đã tiết lộ rằng tổ tiên của loài kăng-gu-ru, biểu tượng của Australia, đã từng phi nước đại bằng bốn chân, có răng nanh giống loài chó, và còn có thể trèo cây.

Một thành viên trong đội nghiên cứu người Australia giữ vai trò phân tích xương, nhà cổ sinh vật học Ben Kear tại trường đại học La Trobe đã nói với tờ Age: “Đây là tổ tiên xa xưa của loài kăng-gu-ru hiện đại.” Ông nói bộ xương gần như hoàn thiện của kăng-gu-ru thời tiền sử được tìm thấy tại bang Queensland vào những năm 1990 là của một loài mới có tên gọi nambaroo gillespieae.

Con vật cổ đại này là một thành viên của nhóm kăng-gu-ru đã tuyệt chủng có tên balbaridae. Người ta tin rằng loài này đã được thay thể bởi tổ tiên của chính loài kăng-gu-ru hiện đại.

Kăng-gu-ru mẹ và con tại Brisbane. (Ảnh: AFP)

Kear cho biết, con nambaroo chỉ bằng kích cỡ của một chú chó nhỏ, có răng nanh dài với hai chi trước to khỏe giúp chúng có thể phi nước đại và nhảy giống như loài thú có túi ôpốt đuôi chồn.

Kăng-gu-ru cổ đại cũng có hai ngón chân to đối diện nhau và một bàn chân linh hoạt, một dấu hiệu cho thấy chúng có khả năng leo trèo cũng giống như kăng-gu-ru hiện đại. Chúng sống trong rừng rậm, ăn trái cây và nấm. Kear nói: “Bạn có chú kăng-gu-ru cổ đại này, thử tưởng tượng cách nó leo trèo qua các cành thấp, nhảy trong rừng, ăn nấm và trái cây rơi. Đó là một sự khác biệt lớn đối với những gì chúng tôi tưởng tượng từ một chú kăng-gu-ru trưởng thành mà bạn hiện đang thấy.”

Bộ xương loài nambaroo giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về sự kiện thay đổi khí hậu có ảnh hưởng đến sự tiến hoá của loài kăng-gu-ru trải qua hàng triệu năm. Họ cho rằng kăng-gu-ru tiến hoá thành loài động vật to lớn hơn, biết nhảy và ăn cỏ từ khoảng 10 đến 15 triệu năm trước khi đất đai trở thành những đồng cỏ khô cằn.

“Bộ xương này giống như Rosetta Stone, nó là tinh hoa hoá thạch giúp chúng ta tìm hiểu giai đoạn đầu quá trình tiến hoá của loài kăng-gu-ru”, Kear cho biết.

Phát hiện của nghiên cứu được xuất bản trên số mới nhất tập san Cổ Sinh Vật Học.

  • 1.768