Khách sạn bay

  •  
  • 365

Những con tàu du lịch trong tương lai sẽ là các khí cầu khổng lồ lướt trong không trung, chứ không phải trên mặt nước. Aeroscraft - một trong các khí cầu như vậy - đang được chế tạo.

Mô phỏng khí cầu khổng lồ

Khí cầu dài bằng hai sân bóng đá này là con đẻ của Igor Pasternak, chủ công ty Worldwide Aeros tại California.

Mặc dù lớn hơn những chiếc máy bay thương mại hiện nay song khí cầu chiếm ít không gian trên mặt đất so với máy bay bởi chúng không cần đường băng. Nó cất và hạ cánh giống như trực thăng.

Không giống như các khí cầu cổ xưa, Aeroscraft nặng hơn không khí. 400m3 khí helium chỉ nâng được 2/3 trọng lượng của khí cầu này. Các cánh quạt khổng lồ ở phía sau tạo ra thêm lực nâng, giữ cho khí cầu và trọng tải 400 tấn của nó ở trên không trung trong khi khí cầu đang di chuyển.

Trong lúc cất và hạ cánh, 6 động cơ phản lực cánh quạt đẩy khí cầu lên hoặc giúp nó hạ cánh nhẹ nhàng.

Pasternak cho biết khí cầu có thể di chuyển gần 10.000 kilomet với vận tốc tối đa chừng 280 km/giờ.

Điều đó có nghĩa là khí cầu có thể đi xuyên nước Mỹ trong khoảng 18 giờ.

Trong suốt chuyến bay, 250 hành khách sẽ ngắm nhìn phong cảnh ở độ cao 2.400m. Nếu họ không thích ngắm quang cảnh, họ có thể giải trí tại phòng khánh tiết sang trọng, các nhà hàng và thậm chí là sòng bạc.

Để giảm thiểu tiếng ồn, các cánh quạt sử dụng nguồn năng lượng tái sinh, chẳng hạn như ắc quy hydro. Khả năng bồng bềnh trong không trung được quản lý bởi một hệ thống phức tạp, cho phép điều chỉnh chính xác động lực học trong suốt chuyến bay để bù đắp những điều kiện bên ngoài và sự di chuyển của hành khách. Hệ thống này sẽ hút không khí ở bên ngoài vào trong các khoang tàu và nén nó để kiểm soát trọng lượng trên boong.

Được biết khí cầu mẫu đang được chế tạo và sẽ được hoàn tất vào năm 2010. Nhiều công ty vận tải đã tỏ ý quan tâm tới dự án này. Công ty Worldwide Aeros còn dự định sản xuất một loại khí cầu tương tự, chuyên chở hàng. Nó có thể hạ cánh trên tuyết, trên dàn khoan dầu và thậm chí là trên mặt nước.

Minh Sơn

Theo VietNamNet/ScienTech
  • 365