Từ những rặng núi châu Âu lạnh lẽo phủ sương cho đến những khu rừng ẩm ướt Trung Á hay khu vực khô cằn ở châu Phi, hàng triệu người đang nấu ăn bằng loại bếp đặc biệt.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết chiếc bếp thần kỳ này mang tên bếp năng lượng Mặt trời. Thay vì dùng khí đốt, điện hoặc củi, bếp năng lượng Mặt trời chỉ tận dụng mặt gương để tập trung ánh nắng vào phạm vi nhỏ, tạo nhiệt làm chín thực phẩm và không phát sinh bất kỳ khí thải gây ô nhiễm nào.
Bếp năng lượng Mặt trời được sử dụng tại Madhya Pradesh, Ấn Độ. (Ảnh: CNN)
Có rất nhiều loại bếp năng lượng Mặt trời, từ kết cấu hộp gương cho đến hệ thống trên mái nhà và bếp ống chân không - loại thiết bị phức tạp hơn hoạt động được trong khí hậu lạnh. Để làm loại cơ bản nhất, chỉ cần vài nguyên vật liệu không tốn kém và dễ kiếm là mọi người có thể tự tạo ra một bếp năng lượng Mặt trời an toàn và hiệu quả.
Nhiệt độ tối đa mà bếp này tạo ra là khoảng 93 độ C, đủ để chế biến xúc xích, thịt xông khói… Các nguyên vật liệu chính cần có là vài hộp bìa carton, một chiếc gương hoặc tấm kim loại có giá thành chỉ vài USD.
Hộp bìa các tông cần có chiều dài 30-38 cm. Ngoài ra, cần có giấy bạc, chảo, vật liệu cách nhiệt như giấy báo, mút xốp, màng bọc thực phẩm, băng keo và thiết bị đo nhiệt độ dùng trong nhà bếp.Đầu tiên, cần dán kín phần đáy và các cạnh của hộp các tông, trừ phần nắp. Dùng giấy bạc bọc các miếng mút xốp và chèn vào các góc trong hộp.
Mẫu bếp năng lượng Mặt trời tự chế từ các vật liệu đơn giản. (Ảnh: Wired)
Giấy bạc có tác dụng khiến nhiệt độ từ ánh nắng Mặt trời lan tỏa khắp bên trong chiếc hộp, giúp làm nóng hiệu quả. Tiếp đó, dán giấy bạc lên nắp chiếc hộp các tông. Người sử dụng sẽ điều chỉnh nắp hộp để chiếu thẳng ánh nắng vào bên trong.
Người nấu sẽ đặt dụng cụ đựng thực phẩm như chảo, đĩa kim loại... vào bên trong chiếc hộp các tông. Dụng cụ tối màu sẽ thích hợp hơn màu sáng vì chúng giúp giữ nhiệt lâu hơn. Bước tiếp theo là che phần không gian mở của chiếc hộp bằng màng bọc thực phẩm. “Rào chắn” trong suốt này khá quan trọng vì giúp đưa ánh nắng vào bên trong chiếc hộp, đồng thời “khóa” để nhiệt không thoát ra ngoài.
Dù đơn giản vậy nhưng có một nhược điểm là không thể sử dụng bếp năng lượng Mặt trời khi trời tối. Và tất nhiên, vào ngày nắng to, thực phẩm có thể nhanh chóng chín, còn trong thời tiết xấu, bếp năng lượng Mặt trời sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn so với bếp thường hoặc lò nướng để đạt đến nhiệt độ nấu chín an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trong điều kiện trời nhiều mây, bếp năng lượng Mặt trời vẫn có thể được sử dụng để làm khô thực phẩm nhằm bảo quản trong thời gian dài hơn. Theo tổ chức phi chính phủ SolarAid, ở điều kiện khí hậu khô và nhiều nắng, chỉ cần một bếp Mặt trời là có thể giúp tiết kiệm một tấn gỗ mỗi năm. Điều kiện để bếp nấu này đạt hiệu quả nhất là một ngày nắng nóng và Mặt trời ở vị trí tối ưu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 2,6 tỷ người trên toàn cầu đang nấu nướng hàng ngày bằng gỗ, than, chất thải động vật, dầu hỏa, các chất vốn thải ra nhiều khói và gây ra tình trạng phá rừng, xói mòn đất, sa mạc hóa... Trong bối cảnh đó, bếp năng lượng Mặt trời có thể là công cụ thay thế hữu dụng.
Tổ chức phi lợi nhuận Bếp năng lượng Mặt trời quốc tế (SCI) cho biết, toàn thế giới hiện có 4 triệu bếp năng lượng Mặt trời phục vụ cho 14 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc ngăn chặn 5,8 triệu tấn CO2 hàng năm thoát ra môi trường. Bà Janak Palta McGilligan tại Madhya Pradesh (Ấn Độ) là thành viên của Hội đồng cố vấn toàn cầu SCI.
Bếp năng lượng Mặt trời tại Kenya. (Ảnh: solarcooking.org)
Sống ở quốc gia có 81% dân số nông thôn dùng nguyên liệu gây ô nhiễm để nấu nướng, bà Palta McGilligan nhận thấy mọi người gặp bất lợi bởi gỗ trong tự nhiên ngày càng giảm. Trong khi đó, việc phụ nữ nấu nướng trong không gian kín cũng khiến họ và gia đình đối mặt với rủi ro từ các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Việc sử dụng nguyên liệu gây ô nhiễm để nấu nướng cũng chiếm tới trên 50% lượng phát thải carbon đen toàn cầu. Carbon đen là một trong những nhân tố chính dẫn đến biến đổi khí hậu, đứng sau CO2, tuy nhiên chúng chỉ tồn tại trong bầu khí quyển vài ngày cho đến vài tuần. Trên thực tế, việc đốt sinh khối (vật liệu có nguồn gốc từ sinh vật, động vật như rơm, gỗ…) tạo ra nhiều khí thải CO2.
Hơn thế nữa, việc sử dụng sinh khối còn góp phần dẫn đến phá rừng ở nhiều khu vực nông thôn. Bà Palta McGilligan nói: “Trái Đất đang gặp rủi ro. Ở vùng nông thôn Ấn Độ, chúng tôi không thể trồng cây đủ nhanh để bù cho lượng gỗ được sử dụng trong nấu ăn”.
Bà chia sẻ thêm: “Người dân các ngôi làng đều có mối liên kết với rừng. Họ cảm thấy tiếc nuối nếu rừng mất đi và không còn cây cối. Năng lượng nhiệt Mặt trời đã giúp họ bớt lo lắng. Các cánh rừng sẽ được cứu nhờ việc sử dụng bếp năng lượng Mặt trời”. Có khoảng 300 ngày nắng mỗi năm, Ấn Độ có cơ hội bền vững trong sử dụng năng lượng nhiệt Mặt trời.