Khám phá hiện tượng tia chớp lục ma quái

Tại sao đôi khi có "tia chớp lục" lúc hoàng hôn, bình minh?
  •  
  • 414

Tia chớp lục là hiện tượng quang học xảy ra ngay sau khi hoàng hôn hoặc trước bình minh. Người quan sát sẽ thất một điểm màu xanh lục (xanh lá cây) xuất hiện khoảng 1 hoặc 2 giây ngay trên đỉnh của Mặt trời, hoặc có thể như một tia sáng màu xanh lá cây phóng lên từ điểm Mặt trời lặn. Tia chớp lục cũng có thể xuất hiện khi Mặt trăng hay các hành tinh sáng như sao Kim và sao Mộc mọc hoặc lặn ở chân trời.

Tia chớp lục có thể được quan sát từ bất kỳ độ cao nào (thậm chí là từ một máy bay). Hiện tượng này thường được nhìn thấy ở những nơi mà tầm nhìn đến chân trời không bị cản trở, chẳng hạn như vùng biển.

Tia chớp lục thực chất là một hiện tượng quang học
Tia chớp lục thực chất là một hiện tượng quang học.

Nguyên nhân chủ yếu hình thành hiện tượng tia chớp lục là do Ánh sáng Mặt trời (trắng) khi đi qua khí quyển của Trái đất sẽ bị khúc xạ tùy theo bước sóng của tia sáng và phân tách thành những màu sắc quang phổ. Tia sáng màu xanh lam bị khúc xạ nhiều nhất, kế đó là màu xanh lục rồi vàng và đỏ.

Khi Mặt trời lặn còn nhú lên khoảng 1/60 đường kính Mặt trời ở chân trời, có thể quan sát thấy những viền Mặt trời có màu thay đổi từ đỏ đến xanh lam. Khi viền màu đỏ sau đó là màu vàng biến mất, thì viền màu xanh lục và màu xanh lam vẫn còn ở chân trời, tuy nhiên, màu xanh lam bị tán xạ rất nhiều trong khí quyển, cho nên khó thấy được. Chỉ có màu xanh lục (trong quang phổ nằm giữa màu vàng và màu xanh lam) vẫn còn xót lại và thường thấy được trong vòng vài giây.

Khí quyển Trái đất, với mật độ khí biến đổi đa dạng, cũng có thể khúc xạ ánh sáng. Đó là lý do đôi khi người ta nhìn thấy quầng sáng cầu vồng xung quanh Mặt trời hoặc ảo ảnh ở phía xa, theo Jan Null, nhà khí tượng tại California. Sự khúc xạ trở nên rất rõ ràng khi Mặt trời đến gần đường chân trời hơn vì ánh sáng Mặt trời đang đi vào phần dày nhất của khí quyển với góc rất hẹp. Đây là lúc tia chớp lục có thể xuất hiện.

Đa số tia chớp lục chia thành hai loại. Loại thứ nhất xuất hiện ngay trước khi Mặt trời biến mất. Tuy nhiên, loại mà Null bắt gặp thường xuyên hơn là khi Mặt trời vẫn còn ở phía trên mặt nước. "Bạn sẽ thấy tia chớp này trên đỉnh đĩa Mặt trời", ông nói.

Tuy nhiên, trong điều kiện thuận lợi, cũng có thể quan sát thấy những tia chớp màu xanh lam hoặc thậm chí là màu tím.

 Chớp sáng xanh lục có thể xuất hiện khi Mặt trời lặn trên biển.
Chớp sáng xanh lục có thể xuất hiện khi Mặt trời lặn trên biển. (Ảnh: David McManus).

Để nhìn thấy tia chớp lục, những người quan sát cần gặp điều kiện phù hợp. Đầu tiên, họ phải thấy được Mặt trời khi nó ở gần đường chân trời, ví dụ trên bờ biển hoặc trên núi cao, theo Courtial. Null cho biết, tại những vùng ven biển như San Francisco, khả năng nhìn thấy tia chớp lục sẽ cao hơn vào những ngày ấm áp, khi có một lớp không khí ấm phía trên mặt nước lạnh. Những lớp không khí này giúp khúc xạ ánh sáng Mặt trời.

Việc quan sát tia chớp lục cũng phụ thuộc vào các chất trong khí quyển. Các hạt có thể làm phân tán ánh sáng xanh lam và tím, khiến ánh sáng xanh lục trở nên rõ ràng hơn. Courtial chứng minh điều này với một thí nghiệm đơn giản: Cho bột sữa vào một bể chứa đầy nước rồi chiếu đèn xe đạp màu trắng vào đó. "Khi thêm nồng độ hạt thích hợp, bạn sẽ thấy một màu xanh lá rực rỡ", ông nói.

Ngoài ra, để thấy tia chớp lục, người quan sát cũng cần làm điều này vào một ngày quang đãng, có thể nhìn ngắm Mặt trời mà không bị cản trở. Tuy nhiên, cần lưu ý không nhìn thẳng vào Mặt Trời mà không có biện pháp bảo vệ mắt.

Các tia chớp lục thường xuất hiện trong vòng chưa đầy một giây. Nhưng nếu may mắn, người quan sát có thể nhìn thấy chúng trong một hoặc hai phút. Null cũng hiếm khi quan sát được như vậy, dù đã nghiên cứu tia chớp lục 45 năm. Ông cho biết, tia chớp lục có thể duy trì sự tồn tại nếu các điều kiện trong khí quyển đủ ổn định.

Cập nhật: 22/05/2024 DNVN/VNE
  • 414