Khám phá môi trường khí quyển các hành tinh trong Hệ Mặt trời

  •   4,52
  • 2.362

Hệ Mặt Trời (hay Thái Dương Hệ) là một hệ hành tinh có Mặt Trời ở trung tâm và các thiên thể nằm trong phạm vi lực hấp dẫn của Mặt Trời, tất cả chúng được hình thành từ sự suy sụp của một đám mây phân tử khổng lồ cách đây gần 4,6 tỷ năm.

Đa phần các thiên thể quay quanh Mặt Trời và khối lượng tập trung chủ yếu vào 8 hành tinh bao gồm: sao Thủy (Mercury), sao Kim (Venus), Trái Đất (Earth), sao Hỏa (Mars), Sao Mộc (Jupiter), sao Thổ (Saturn), sao Thiên Vương (Uranus), sao Hải Vương (Neptune).

Các thiên thể quay quanh Mặt Trời và khối lượng tập trung chủ yếu vào 8 hành tinh.
Các thiên thể quay quanh Mặt Trời và khối lượng tập trung chủ yếu vào 8 hành tinh.

Sao Thủy

Sao Thủy (cách Mặt Trời khoảng 0,4 AU) là hành tinh gần Mặt Trời nhất và là hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời (0,055 lần khối lượng Trái Đất). Sao Thủy không có vệ tinh tự nhiên, Sao Thủy hầu như không có khí quyển do các nguyên tử trong bầu khí quyển của nó đã bị gió Mặt Trời thổi bay ra ngoài không gian.

*1 AU = 149 597 871 km ~ 150 triệu km

Sao Kim

Sao Kim (cách Mặt Trời khoảng 0,7 AU) có kích cỡ khá gần với kích thước Trái Đất (với khối lượng bằng 0,815 lần khối lượng Trái Đất) và đặc điểm cấu tạo giống Trái Đất, nó có một lớp phủ silicat dày bao quanh một lõi sắt. Sao Kim có một bầu khí quyển dày gấp 90 lần mật độ bầu khí quyển của Trái Đất. Sao Kim không có vệ tinh tự nhiên. Nó là hành tinh nóng nhất trong hệ Mặt Trời với nhiệt độ của bầu khí quyển trên 400 °C, nguyên nhân chủ yếu là do hiệu ứng nhà kính của bầu khí quyển.

Trái Đất

Trái Đất (cách Mặt Trời 1 AU) là hành tinh duy nhất có sự sống được biết đến tính đến thời điểm hiện tại. Bầu khí quyển của Trái Đất cũng khác căn bản so với các hành tinh khác với thành phần phân tử ôxy tự do thiết yếu cho sự sống chiếm tới 21% trong bầu khí quyển. Trái Đất có một vệ tinh tự nhiên là Mặt Trăng, nó là vệ tinh tự nhiên lớn nhất nếu so tỷ lệ với hành tinh chủ trong hệ Mặt Trời.

Sao Hỏa

Sao Hỏa (cách Mặt Trời khoảng 1,5 AU) có kích thước nhỏ hơn Trái Đất và Sao Kim (khối lượng bằng 0,107 lần khối lượng Trái Đất). Nó có một bầu khí quyển chứa chủ yếu là cacbon điôxít với áp suất khí quyển tại bề mặt chỉ bằng 0,6% áp suất khí quyển tại bề mặt Trái Đất. Sao Hỏa có hai Mặt Trăng rất nhỏ (Deimos và Phobos), sao Hỏa là hành tinh có cấu tạo gần giống Trái Đất nhất.

Sao Mộc

Sao Mộc (khoảng cách đến Mặt Trời 5,2 AU), với khối lượng bằng 318 lần khối lượng Trái Đất và bằng 2,5 lần tổng khối lượng của 7 hành tinh còn lại trong Thái Dương Hệ. Khí quyển Mộc Tinh có thành phần chủ yếu hiđrô và heli. Sao Mộc có 63 vệ tinh. Bốn vệ tinh lớn nhất, Ganymede, Callisto, Io và Europa. Ganymede, vệ tinh tự nhiên lớn nhất trong hệ Mặt Trời, có kích thước lớn hơn Sao Thủy.

Sao Thổ

Sao Thổ (khoảng cách đến Mặt Trời 9,5 AU), có hệ vành đai đặc trưng với kích thước rất lớn chứa bụi, các hạt băng và đá nhỏ. Sao Thổ có những đặc điểm giống với Sao Mộc như thành phần bầu khí quyển và từ quyển. Mặc dù thể tích của Thổ Tinh bằng 60% thể tích của Mộc Tinh nhưng khối lượng của nó chỉ bằng một phần ba so với Mộc Tinh. Sao Thổ có 62 vệ tinh tự nhiên, trong đó, Titan là vệ tinh tự nhiên lớn thứ hai trong Thái Dương Hệ, lớn hơn Sao Thủy và là vệ tinh duy nhất trong hệ Mặt Trời có tồn tại một bầu khí quyển đáng kể.

Sao Thiên Vương

Sao Thiên Vương (khoảng cách đến Mặt Trời 19,6 AU), khối lượng bằng 14 lần khối lượng Trái Đất. Trục tự quay của nó có đặc trưng lạ thường duy nhất so với các hành tinh khác, độ nghiêng trục quay trên 90 độ so với mặt phẳng hoàng đạo. Sao Thiên Vương có 27 vệ tinh tự nhiên.

Sao Hải Vương

Sao Hải Vương (khoảng cách đến Mặt Trời 30 AU), mặc dù kích cỡ hơi nhỏ hơn Sao Thiên Vương nhưng khối lượng của nó lại lớn hơn (bằng 17 lần khối lượng của Trái Đất). Hải Vương Tinh có 13 vệ tinh tự nhiên. Triton là vệ tinh tự nhiên duy nhất có qũy đạo nghịch hành.

Cập nhật: 07/05/2019 Theo Tinh Tế
  • 4,52
  • 2.362