Khám phá những hiện tượng băng tuyết kỳ thú

  •  
  • 893

Nhiều người không thích mùa đông - nhiệt độ lạnh, khó lái xe và suốt ngày phải ru rú trong nhà. Đúng là mùa hè rất rực rỡ, nhưng mùa đông có thể tạo ra những hiện tượng băng tuyết kỳ thú không kém.

Cột sáng

Có màu hồng sặc sỡ và bềnh bồng trên mặt đất, những cột sáng này thường bị nhầm với đĩa bay. Những người bắt gặp hiện tượng kỳ lạ này giữa đêm đông lạnh lẽo thường choáng ngợp bởi vẻ lộng lẫy của chúng, như thể đó là công trình của người ngoài hành tinh hoặc một quyền lực siêu nhiên nào đó. Tuy nhiên, cơ sở khoa học đằng sau sự tồn tại của các cột sáng này lại khá tầm thường.

Les Cowley, nhà vật lý và là chuyên gia về quang học khí quyển giải thích: “Giống như mọi quầng sáng khác, đây thuần túy là những chùm sáng thu được từ hàng triệu triệu tinh thể băng phản chiếu ánh sáng tới mắt hoặc máy ảnh của bạn”.

Trong những đêm đông rất lạnh và lặng gió, những tinh thể băng trên độ cao lớn có thể hình thành gần mặt đất hơn và phản xạ ánh đèn đường từ các thành phố và đèn chiếu từ xe ôtô, dẫn đến sự xuất hiện những cột ánh sáng lung linh huyền ảo. Chúng thường có màu sắc giống với ánh sáng mà chúng phản chiếu, điều này giải thích cho sự rực rỡ sắc màu của các cột sáng.

Điều thú vị là hiện tượng tương tự có thể xảy ra khi ánh sáng mặt trời hoặc ánh trăng phản chiếu vào các tinh thể băng, kết quả là sự hình thành những cột sáng mặt trời hoặc mặt trăng.

Thạch nhũ băng (Penitentes)

Thạch nhũ băng được hình thành từ tuyết hoặc băng cứng ở độ cao trên 4.000 mét.
Thạch nhũ băng được hình thành từ tuyết hoặc băng cứng ở độ cao trên 4.000 mét.

Dạng băng tuyết kỳ lạ này trông giống như những chiếc móng nhọn chết người. Trong thực tế, một số thạch nhũ băng có thể cao hơn đầu người - lên đến 6 mét. Không có bất kỳ dấu vết nào khác của tuyết xung quanh các thạch nhũ băng, có thể khiến bạn giật mình khi nhìn thấy những cột băng nhọn hoắt thò lên từ dưới đất như móng vuốt của một con quái vật khổng lồ.

Thạch nhũ băng được hình thành từ tuyết hoặc băng cứng ở độ cao trên 4.000 mét. Chúng có thể được tìm thấy ở những thung lũng nông nơi tuyết phủ dày nhất và ánh sáng mặt trời không quá mạnh.

Do quá trình thăng hoa (khi tuyết bốc hơi trực tiếp mà không trở thành nước), tuyết sẽ biến dạng một cách ngẫu nhiên khi một số vùng thăng hoa nhanh hơn những vùng khác, để lại những chỗ trũng ngày càng sâu hơn. Theo thời gian, những cánh đồng băng tuyết nhọn hoắt nhấp nhô được hình thành. Đừng bị lừa bởi vẻ ngoài mong manh của chúng. Mặc dù đẹp, nhưng thạch nhũ băng là một trở ngại khó khăn cho các tay leo núi.

Cầu băng

Cầu băng được hình thành từ băng vụn (một hỗn hợp lấp lánh của các tinh thể băng và nước).
Cầu băng được hình thành từ băng vụn (một hỗn hợp lấp lánh của các tinh thể băng và nước).

Tại một ngôi làng hẻo lánh ở Siberi vào năm 2016, các cư dân được chào đón bởi một loại những vật thể kỳ lạ có vẻ đã được nước biển rửa sạch.

Trải dài suốt 18km là những quả cầu băng khổng lồ, một số có đường kính tới 1 mét hoặc nhỏ như quả bóng quần vợt, bao phủ bờ Vịnh Ob. Cứ như tự nhiên đang chuẩn bị cho cuộc chơi ném bóng tuyết vậy. Thậm chí các vị bô lão trong làng cũng không biết những quả cầu này từ đâu tới.

Còn được gọi là băng lăn, cầu băng được hình thành từ băng vụn (một hỗn hợp lấp lánh của các tinh thể băng và nước). Nước biển và gió mạnh khiến những khối băng này lăn đi lăn lại tạo thành những hình cầu giống như trái bóng, đôi khi cũng mang màu nâu do cát.

Những con sóng nhẹ hơn sẽ tạo ra phiên bản dẹt hơn, giống hình bánh ngọt. Không may là với trọng lượng lên đến 23kg, những quả cầu băng cứng này sẽ không làm cho cuộc chơi ném tuyết trở nên thú vị.

Núi lửa băng

Mọi người đều biết núi lửa là gì, những lỗ thông qua lớp vỏ trái đất phun ra những dòng dung nham nóng chảy và khí độc chết người, tạo thành một khung cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên. Tuy nhiên, còn có một loại “núi lửa” phun trào băng nóng chảy.

Núi lửa băng (còn gọi là cryovolocano) tương tự như núi lửa bình thường trong áp lực hình thành bên dưới bề mặt gây phun trào mạnh hoặc chảy thành dòng nhẹ. Tuy nhiên, thay vì phun ra nham thạch núi lửa băng lại phun ra hơi lạnh bao gồm nước, amoniac, hoặc mê-tan.

Người ta càng hào hứng hơn khi phát hiện ra những ngọn núi lửa này trên sao Diêm Vương vào năm 2016, mặc dù chúng đã được ghi nhận vào năm 1989 trên Triton, mặt trăng lớn nhất của Sao Hải Vương.

Núi lửa băng có thể đạt đến tỷ lệ không tưởng. Một trong số đó, ngọn Plight Mons của sao Diêm Vương, đạt đến chiều cao đáng kinh ngạc là 4km và chiều dài 145km.

Sấm tuyết

Sấm tuyết là hiện tượng khi sấm và sét diễn ra trong một cơn bão tuyết. Các điều kiện phải phù hợp để điều này xảy ra. Thời tiết vẫn còn đủ lạnh để tạo thành tuyết, nhưng lớp không khí gần mặt đất phải ấm hơn không khí phía trên nó.

Giống như trong cơn giông, không khí ấm và ẩm bốc hơi tạo thành những cột không khí không ổn định, sau đó ngưng tụ thành mây. Khi những đám mây bão tuyết hình thành những chỗ phình lên gọi là tháp mây, nó báo hiệu luồng không khí không ổn định dẫn đến mưa đá và tuyết.

Khi những hạt này va vào nhau, điện tích sẽ tích tụ và được giải phóng dưới dạng sét. Thật không may, ngay cả khi bạn ở đúng nơi xảy ra hiện tượng thời tiết hiếm hoi này, hầu hết những gì bạn có thể nhìn thấy chỉ là ánh sáng chói lóa và tiếng sấm đinh tai.

Sương muối

Sương muối được tạo ra tương tự như băng giá.
Sương muối được tạo ra tương tự như băng giá.

Từ điển tiếng Anh cổ định nghĩa “sương muối” “lớp sương giá tại thành những sợi lông màu trắng giống như bộ râu của các cụ già”. Có thể nhìn thấy “bộ lông” này bao phủ cây cối, cành lá và các bụi cây bằng lớp tinh thể băng mỏng vào những ngày sương mù, mang đến dáng vẻ mê hoặc cho ngày đông lạnh lẽo.

Sương muối được tạo ra tương tự như băng giá. Khi các phân tử hơi nước tiếp xúc với lá cỏ hoặc vật thể khác ở nhiệt độ dưới mức đóng băng, sự lắng đọng sẽ xảy ra. Sự lắng đọng (khi trạng thái khí trực tiếp chuyển thành trạng thái rắn) dẫn đến sự bao phủ của những tinh thể băng trông như những sợi lông. Độ ẩm không khí càng cao, lớp phủ sẽ càng dày tạo thành những hình ảnh kỳ vĩ và phức tạp hơn.

Cập nhật: 12/02/2018 Theo SKĐS
  • 893