Khám phá tháp chim bồ câu hàng trăm năm tuổi ở Iran

  •  
  • 1.170

Chim bồ câu, hay đúng hơn là phân của chúng, từng trở thành nguồn tài nguyên quý giá ở Iran. Người dân nước này xây những tòa tháp cao 18 m để nuôi hàng nghìn con chim bồ câu.

Thời này, chim bồ câu được nuôi thuần hóa không phải để lấy thịt mà để lấy phân
Trong suốt thế kỷ 16 và 17, nhất là vào khoảng thời gian trị vì của triều đại Safavid, người Iran xây dựng rất nhiều tháp chim bồ câu. Chim bồ câu được nuôi thuần hóa không phải để lấy thịt (vì loài chim này đặc biệt được tôn kính trong đạo Hồi), mà là để lấy phân. Người dân địa phương thu gom phân chim để bón ruộng dưa hấu và dưa chuột.

Phân chim bồ câu được cho là loại phân tốt nhất cho việc trồng dưa hấu và dưa chuột
Người thời Safavid có sở thích đặc biệt với dưa và tiêu thụ khối lượng rất lớn. Phân chim bồ câu được cho là loại phân tốt nhất cho những loại cây trồng này. Các tháp được xây dựng với mục đích thu hút chim bồ câu đến làm tổ và người dân có thể thu hoạch phân của chúng.

Vào thời kỳ thịnh hành, thành phố Isfahan có khoảng 3.000 tháp chim bồ câu.
Vào thời kỳ thịnh hành, thành phố Isfahan có khoảng 3.000 tháp chim bồ câu. Ngày nay, khoảng 300 tháp vẫn nằm rải rác khắp vùng nông thôn trong tình trạng hư hỏng khác nhau. Phân bón và hóa chất hiện đại đã khiến những công trình kiến ​​trúc tuyệt đẹp này trở nên lỗi thời, dẫn đến việc các tháp bồ câu bị bỏ hoang trên những cánh đồng.

Tháp chim bồ câu điển hình có hình trụ, được xây bằng gạch bùn không nung, vôi và thạch cao.
Tháp chim bồ câu điển hình có hình trụ, được xây bằng gạch bùn không nung, vôi và thạch cao. Các tháp có đường kính từ 10 đến 22m và cao từ 18m trở lên, có thể nuôi tới 14.000 con chim bồ câu. Tháp này được xây dựng như những pháo đài bất khả xâm phạm có thể che chở chim bồ câu khỏi những kẻ săn mồi. Kích thước nhỏ của lối vào ngăn các loài chim lớn như diều hâu, cú hoặc quạ.

Bên trong tháp bao gồm vô số tổ nhỏ xếp thành lớp đều nhau như bàn cờ
Bên trong tháp bao gồm vô số tổ nhỏ xếp thành lớp đều nhau như bàn cờ, dọc theo các bức tường. Việc bố trí các chuồng chim kiểu bàn cờ này giúp sử dụng hiệu quả không gian, tối đa hóa số lượng lỗ và giữ cho trọng lượng cũng như khối lượng vật liệu xây dựng được sử dụng ở mức tối thiểu.

Các tổ nuôi chim bồ câu có kích thước khoảng 20x20x28 cm
Các tổ nuôi chim bồ câu có kích thước khoảng 20x20x28 cm, với một cây sào ngắn nhô ra ngoài. Tường của tháp được thiết kế nghiêng vào trong cho phép phân chim bồ câu rơi trực tiếp vào trung tâm hố thu gom phía dưới. Các tháp được mở mỗi năm một lần để thu hoạch phân vào thế kỷ 17.

Những con chim không bị bắt và huấn luyện để chui vào tháp mà là chúng bị thu hút theo bản năng
Những con chim không bị bắt và huấn luyện để chui vào tháp mà là chúng bị thu hút theo bản năng, do kiến trúc của tháp giống những gờ đá và kẽ hở nơi chim bồ câu thích làm tổ, giao phối và nuôi con non trong tự nhiên. Những con chim chỉ được cung cấp nơi ở, còn thức ăn thì không. Ban ngày chúng đi kiếm nước và thức ăn. Vào ban đêm, những con chim sẽ trở lại tháp bồ câu.

Phân từ chim bồ câu chủ yếu được sử dụng làm phân bón
Phân từ chim bồ câu chủ yếu được sử dụng làm phân bón, ngoài ra cũng được sử dụng trong ngành công nghiệp da với chức năng làm mềm da. Quan trọng hơn, phân chim là một thành phần thiết yếu trong sản xuất thuốc súng.

Hiện có 65 tháp được bảo vệ bằng cách được đưa vào danh sách di sản quốc gia.
Phân chim bồ câu và tháp bồ câu đã trở nên lỗi thời về mặt chức năng do sự phát triển của phân bón hóa học và hóa chất thuộc da hiện đại. Trong số 300 tháp còn lại đến ngày nay xung quanh Isfahan, 65 tháp được bảo vệ bằng cách được đưa vào danh sách di sản quốc gia. Một số tháp vẫn thu hút những đàn chim bồ câu tự nhiên đậu bên trong, bất chấp trần nhà bị sập, tường nứt…

Cập nhật: 21/08/2020 Theo Zing
  • 1.170