Có thực sự tồn tại linh hồn?

  •   413
  • 27.252

Một số nhà khoa học tìm mọi cách để cân, đo, ghi lại hình ảnh của linh hồn với niềm tin rằng nó tồn tại.

Linh hồn nặng 21g?

Vốn luôn nung nấu ý định thu thập bằng chứng về linh hồn, năm 1901 Duncan MacDougall, một bác sĩ phẫu thuật ở bang Massachusetts (Mỹ) đã thuyết phục được một số bệnh nhân gần đất xa trời cho phép ông cân họ trong lúc lâm chung bằng một chiếc cân cải tiến đặc biệt. Trường hợp đầu tiên là một người mắc bệnh lao. Từ lúc bắt đầu hấp hối, người bệnh đã được đặt lên cân. Theo ghi chép của MacDougall: "Ngay khi sự sống vừa ngừng lại thì đĩa cân phía bên không có người bệnh bỗng nhiên trĩu xuống, giống như có thứ gì đó vừa bị lấy khỏi thi thể". Nhìn trên mặt cân, vị bác sĩ thấy người quá cố đã nhẹ đi 21g.

Duncan MacDougall, người đã thử dùng cân để xác định sự tồn tại của linh hồn
Duncan MacDougall, người đã thử dùng cân để xác định sự tồn tại của linh hồn

Hơn một năm sau đó, MacDougall tiếp tục tiến hành thí nghiệm với 5 bệnh nhân khác. Ba người trong số này cũng xảy ra hiện tượng giảm trọng lượng đột ngột từ 11 - 43g khi vừa trút hơi thở cuối cùng. Một trường hợp phải ngừng thí nghiệm vào phút cuối và một trường hợp không thấy cân nặng thay đổi. MacDougall cho rằng, trường hợp này là do người bệnh được đưa lên cân quá muộn. Còn các trường hợp khác, trọng lượng giảm đi do linh hồn thoát ra khỏi cơ thể.

MacDougall lặp lại thí nghiệm tương tự với 15 con chó, nhưng không ghi nhận trường hợp nào giảm trọng lượng khi chết. Kết quả này càng củng cố lòng tin của ông, rằng đây là hiện tượng chỉ xảy ra với con người, vì chúng ta có linh hồn, còn các loài động vật khác thì không.

Phát hiện của MacDougall được đăng tải trên Thời báo New York và một số tạp chí chuyên ngành uy tín. Nó trở thành đề tài cho một số tác phẩm văn học và một bộ phim. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn tin rằng, linh hồn của chúng ta nặng 21g. Tuy nhiên, đa số các nhà nghiên cứu đều nhận định rằng phát hiện này là vô nghĩa. Quy mô nghiên cứu quá nhỏ, chỉ với 6 bệnh nhân nên kết quả không thuyết phục. Hơn nữa, với trình độ y học khi đó, việc xác định đúng thời điểm người bệnh thực sự lìa đời rất khó chính xác. Chất lượng của cân cũng có thể không đáng tin cậy. Chiếc cân mà MacDougall dùng để cân người bệnh có độ chính xác dao động trong khoảng 5g. Trong khi chiếc cân mà ông sử dụng trong thí nghiệm với chó sau này chính xác tới 1,75g. Có lẽ vì thế mà kết quả 2 thí nghiệm khác nhau.

Giữa hai thế giới

Quan sát thời điểm một người lìa đời để tìm dấu hiệu của linh hồn cũng là ý tưởng mà nhiều nhà khoa học khác quan tâm. Trong một nghiên cứu công bố năm 2009, TS Lakhmir S. Chawla, Đại học George Washington (Mỹ) đã theo dõi 7 trường hợp bệnh nhân giai đoạn cuối khi bác sĩ ngừng các phương tiện trợ sinh (thuốc, máy thở) để họ ra đi nhẹ nhàng. Chawla quan sát chỉ số BIS (chỉ số lưỡng phổ, có giá trị từ 0 - 100, tương ứng với từng mức độ từ hôn mê sâu đến tỉnh táo hoàn toàn). Khi chưa ngừng thiết bị trợ sinh, BIS ở mức xấp xỉ 40 hoặc cao hơn. Khi ngừng thiết bị, BIS giảm xuống dưới 20 trong vài phút và tim ngừng đập. Nhưng điều bất ngờ là sau đó, chỉ số BIS ở cả 7 bệnh nhân chết tim đều tăng vọt lên mức từ 60 - 80. Thời gian này kéo dài từ 1 - 20 phút rồi đột ngột giảm và về gần mức 0.

Linh hồn có thực sự tồn tại? (Ảnh minh họa: IE)
Linh hồn có thực sự tồn tại? (Ảnh minh họa: IE)

Một nghiên cứu khác của David Auyoung (Trung tâm Y khoa Virginia Mason, Mỹ) mô tả 3 bệnh nhân tổn thương não. Trước khi ngừng thiết bị trợ sinh, BIS của cả 3 người ở mức xấp xỉ 40, trong đó có một người BIS gần bằng 0. Sau khi rút thiết bị, BIS tăng vọt lên gần 80 và ở mức này trong 30 - 90 giây, sau đó giảm thẳng về gần 0. Bệnh nhân được tuyên bố là đã chết.

Những kết quả nghiên cứu này khiến giới khoa học rất băn khoăn. Điều bí ẩn là tại sao hoạt động điện não có thể bùng nổ sau thời điểm rút thiết bị trợ sinh, khi mà các mô não đã chết về mặt chuyển hóa, không còn nhận được máu và oxy. Một số quan điểm cho rằng, nguyên nhân là do mức kali ngoại bào dư thừa dẫn đến hiện tượng này. Quan điểm khác nghi ngờ nguyên nhân là hiện tượng chết nơ ron do canxi. Tuy nhiên, mọi cách giải thích đến nay đều chưa làm thỏa mãn các nhà nghiên cứu.

Trong giới nghiên cứu tâm linh từ lâu đã tồn tại một giả thuyết cho rằng, trải nghiệm cận tử hay trạng thái ảo thân (cảm thấy đang bay lơ lửng trên cơ thể của chính mình, gặp người thân đã khuất hay nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm) xảy ra khi linh hồn rời khỏi thể xác. Hiện tượng bùng nổ hoạt động điện não trước khi chết càng khiến một số người tin vào giả thuyết này cũng như sự tồn tại của linh hồn. Vấn đề là nếu linh hồn thực sự có trong mỗi con người thì nó tồn tại dưới dạng nào và sau khi chúng ta chết, linh hồn sẽ đi về đâu?

Chụp được ảnh linh hồn?

Kết quả thí nghiệm của MacDougall đã thu hút một số nhà nghiên cứu tham gia vào cuộc tìm kiếm linh hồn. Năm 1910, Walter Kilner, kỹ thuật viên tại Bệnh viện St Thomas’s (Anh) tuyên bố đã chế tạo được một bộ kính lọc đặc biệt, có thể cho phép quan sát được trường năng lượng của con người. Patrick O’Donnell, một chuyên gia X-quang tại Chicago (Mỹ) đã sử dụng thiết bị này để quan sát một người sắp chết.

Khi bác sĩ tuyên bố bệnh nhân qua đời, O’Donnell thấy trường năng lượng tỏa ra xung quanh thi thể như một vầng sáng và biến mất ngay sau đó. Tiếp tục quan sát thi thể cũng không phát hiện năng lượng nữa.

Theo Bee
  • 413
  • 27.252