Bằng chứng đầu tiên về khủng long “bay” ăn thịt chim

  •  
  • 5.300

Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy hóa thạch của chim được “bảo quản” trong dạ dày của một con khủng long. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy rằng chim cũng là một con mồi của khủng long và thời kỳ đó thì thế giới là nơi nguy hiểm cho các loài chim.

Từ lâu, các nhà cổ sinh vật học đã hoài nghi chim là một phần trong chế độ ăn uống của khủng long, nhưng vẫn thiếu các bằng chứng chứng minh. Cho đến gần đây, Jingmai O'Connor và các đồng nghiệp tại Viện Hàn lâm khoa học tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tìm thấy một bộ xương gần như nguyên vẹn của một con chim bên trong hóa thạch của loài động vật ăn thịt này.

Con chim thuộc nhóm Enantiornithes (các loài chim nguyên thủy đã tuyệt chủng) nằm trong lồng ngực của loài khủng long Microraptor gui (một chi nhỏ của khủng long bốn cánh dromaeosaurid ở Kỷ Phấn trắng). Chúng là một phần của hệ sinh thái thời tiền sử, được gọi là các sinh vật Jehol tồn tại ở vùng đông bắc Trung Quốc từ 133 đến 120 triệu năm trước.

Có thể loài khủng long Microraptor đã bay lên cây để săn chim
Có thể loài khủng long Microraptor đã bay lên cây để săn chim

Bộ xương còn nguyên vẹn của con chim cho thấy rằng, khủng long đã nuốt chửng cả con mồi chứ không xé thành từng miếng. Điều này không chỉ cung cấp bằng chứng về loài khủng long ăn gì và ăn như thế nào, mà nó còn cho thấy cách săn mồi của loài khủng long.

Theo giải thích của Jingmai O'Connor và các đồng nghiệp thì các loài chim này thường sống trên cây. Nhưng loài khủng long Microraptor có đến bốn cánh nên chúng có thể bay và săn mồi trên không trung.

Tuy nhiên, Luis Chiappe – Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Los Angeles (Mỹ) lại cho rằng “Chúng ta cần phải thận trọng khi đưa ra kết luận, bởi sự thật là các loài chim Enantiornithes thường sống trên cây, nhưng không có nghĩa là chúng không xuống mặt đất”. Vì vậy, vẫn còn khá sớm để đi đến kết luận về hình thức săn mồi của loài khủng long bốn cánh.

Theo Đất Việt
  • 5.300