Bí ẩn chim cánh cụt biến mất mùa đông

  •  
  • 2.268

Các nhà khoa học New Zealand đang bắt tay vào việc nghiên cứu để tìm ra lời giải của một trong các bí ẩn lớn của tự nhiên: sự biến mất của một giống chim cánh cụt vào mỗi mùa đông.

>>> Tiết lộ gây sốc về đời sống tình dục của chim cánh cụt

Theo Tân Hoa xã, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu khí quyển và nước (NIWA) của New Zealand, dưới sự tài trợ của tạp chí National Geographic (Mỹ), sẽ nghiên cứu nơi chim cánh cụt rockhopper (giống chim cánh cụt nhỏ ở Nam cực, New Zealand và đảo Falkland) biến mất khi mùa đông đến.

Chim cánh cụt rockhopper
Chim cánh cụt rockhopper - (Ảnh: arkive.org)

Theo kế hoạch, nhóm này sẽ tới nơi sinh sản của giống chim này ở đảo Campbell, New Zealand để gắn 88 thẻ theo dõi thu nhỏ lên chân chim cánh cụt. Họ hi vọng dựa trên thông tin thu thập được từ các thẻ này sẽ tìm ra nơi chúng đi khi mùa đông tới, sự phân bố và sử dụng môi trường sống của chúng.

“Chúng tôi không biết chúng đi đâu vào mỗi mùa đông - nhà khoa học David Thompson thuộc NIWA nói - Tôi không nghĩ là chúng đi quá xa vì chúng không thể bay, mặc dù chúng có thể bơi nhanh”.

“Có thể mùa đông là thời kỳ quan trọng trong chu kỳ sinh sản của chúng. Để nuôi chim non, chúng cần trở lại đảo Campbell vào đầu mùa sinh sản trong tình trạng tốt”, Thompson nói thêm.

Theo thống kê của các nhà khoa học, từ năm 1942-1985, số lượng chim cánh cụt rockhopper tại Campbell giảm từ khoảng 800.000 cặp chim giống còn chỉ 51.000 cặp và việc suy giảm này vẫn tiếp diễn sau đó.

“Chúng chưa đến mức tuyệt chủng trong tương lai gần, nhưng đây là một sự suy giảm rất lớn”, Thompson nói. Ông cũng đưa giả thuyết chúng bị thiếu thức ăn dự trữ nên bị suy giảm nhanh.

Chim cánh cụt rockhopper trưởng thành có thể cao 40cm, nặng 4kg, phân biệt với các giống chim cánh cụt khác ở chỗ có đôi mắt màu đỏ và mào màu vàng.

Theo Tuổi Trẻ
  • 2.268