Trung Quốc hôm qua phóng thành công module thử nghiệm đầu tiên ngay trước dịp kỷ niệm quốc khánh nước này, để chuẩn bị cho việc xây dựng trạm vũ trụ.
>>> Trung Quốc sắp phóng "Thiên Cung"
Thiên Cung-1 (Tiangong-1) được phóng đi bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F vào khoảng 21h15 theo giờ địa phương tại sa mạc Gobi phía tây bắc Trung Quốc, AFP đưa tin. Module không người lái nặng khoảng 8,5 tấn sẽ tiến hành một số cuộc thử nghiệm về các hoạt động trong không gian, như những bước đầu tiên để tiến tới việc thiết lập một trạm vũ trụ vào năm 2020.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm qua có mặt tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, để theo dõi quá trình đưa Thiên Cung-1 lên quỹ đạo. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào theo dõi quá trình này tại một trung tâm kiểm soát các chuyến bay vũ trụ đặt tại thủ đô Bắc Kinh, Xinhua cho hay.
Thiên Cung-1 được phóng lên từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền. (Ảnh: Xinhua)
Khoảng 10 phút sau khi được phóng đi, Thiên Cung-1 đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy tại độ cao khoảng 200km, trước khi mở được hai tấm pin năng lượng mặt trời của nó.
Trung Quốc coi chương trình vũ trụ đầy tham vọng của mình là một biểu tượng của tầm vóc toàn cầu mà nước này sở hữu. Các báo lớn của Trung Quốc dành nhiều trang để nói về sự kiện Thiên Cung-1 suốt nhiều ngày qua, và coi đây là một cột mốc quan trọng đối với cường quốc phương Đông.
Trong khi đó, các chuyên gia Mỹ tỏ ra khá dè dặt trong phản ứng về vụ phóng thành công module không người lái của Trung Quốc. "Thiên Cung-1 là một bước tiếp theo của nỗ lực chậm mà chắc của Trung Quốc, nhằm có được khả năng thực hiện các chuyến bay có con người vào vũ trụ", Xinhua dẫn lời John Logsdon, một chuyên gia chính sách vũ trụ tại trường đại học George Washington. "Bản thân sự kiện này chưa phải là một bước tiến đáng kể, nhưng nó thật sự quan trọng đối với việc xác định các điểm gặp trong vũ trụ và các công nghệ kết nối tàu vũ trụ của Trung Quốc".
Thiên Cung-1, có vòng đời hai năm trong không gian, sẽ tiếp nhận phi thuyền không người lái Thần Châu 8 vào cuối năm nay, trong sự kiện được coi là sự kết nối trong không gian đầu tiên của Trung Quốc. Nếu sự kiện này diễn ra thành công, Thiên Cung-1 sẽ được lắp ghép với hai phi thuyền nữa, gồm Thần Châu IX và Thần Châu X, trong năm 2012. Cả hai tàu vũ trụ này đều sẽ mang theo ít nhất một nhà du hành vũ trụ.
Kết nối trong không gian là một công nghệ không dễ làm chủ, do hai vật thể được lắp ghép cần phải kết hợp một cách từ từ nhằm tránh làm hư hại lẫn nhau, trong điều kiện được đặt trong cùng một quỹ đạo và quay quanh trái đất với tốc độ khoảng 28.000 km/giờ.
Nhà nghiên cứu người Pháp Isabelle Sourbes-Verger cho rằng một hệ thống lắp ghép hoàn thiện và chính xác sẽ giúp Trung Quốc có được một cơ hội lớn, để một ngày nào đó tiếp cận với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuy nhiên, bà Sourbes-Verger cũng thận trọng nhận định rằng việc này chưa thể xảy ra trong vòng 5 năm tới.
Sau những tiến bộ vượt bậc trong 30 năm phát triển kinh tế thần tốc, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực vũ trụ. Năm 2003, nước này lần đầu tiên đưa được công dân của mình vào vũ trụ, khi nhà du hành Dương Lợi Vĩ cùng tàu Thần Châu 5 có chuyến bay thành công vào không gian. Nếu Trung Quốc lắp ghép thành công các thiết bị vũ trụ vào cuối năm nay, họ sẽ làm được điều mà Mỹ và Nga trước đây từng đạt được.
Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành trạm vũ trụ đầu tiên của mình vào năm 2020. Đó sẽ là nơi các nhà du hành vũ trụ có thể sống và làm việc nhiều tháng, giống như tại ISS và trạm vũ trụ Mir của Nga. Trung Quốc còn đang lên kế hoạch đưa người lên mặt trăng, nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể cho việc này.