Một chiếc khẩu trang chất lượng giúp bạn hít thở không khí trong lành dù sống tại một nơi có không khí siêu ô nhiễm đủ các loại virus, vi khuẩn hay bụi nhỏ đến mức vô hình.
Bên cạnh CO2 hay khói thuốc lá, một loại hung thần ô nhiễm khác thường được nhắc đến trong kết quả đánh giá chất lượng không khí là bụi mịn PM10 và bụi siêu mịn PM2,5 - loại bụi có kích thước siêu nhỏ, tính bằng micro mét, tất nhiên không thể nhìn thấy bằng mắt thường và có thể xâm lấn vào trong tế bào, cản trở các hoạt động cơ thể.
Về ngắn hạn, bụi mịn “chui” vào phổi khiến máu không lấy được oxy đi nuôi cơ thể, dẫn đến các hệ quả như đau đầu, chóng mặt, cơ thể uể oải.
Về lâu dài, bụi mịn và bụi siêu mịn thường mang theo các ion kim loại đi vào cơ thể, làm nhiễm độc hệ hô hấp, phá huỷ hệ miễn dịch cơ thể.
Ảnh phóng to cho thấy kích thuớc của bụi PM10 và PM2,5 nhỏ hơn bề mặt sợi tóc hàng chục lần. Đây là lí do khiến loại bụi này trở nên nguy hiểm, vì có thể lọt qua các loại vải thông thường, đi thẳng vào phổi.
Khi không khí trở nên ô nhiễm, sức đề kháng con người bị kém đi vì thời tiết thì việc tìm ngay một loại khẩu trang an toàn, lọc được các loại bụi siêu nhỏ trở thành một nhu cầu thiết yếu. Khẩu trang không đơn thuần để che nắng làm da đen sạm hay lọc những hạt bụi to đến mức mắt thường có thể nhìn thấy được – hãy chọn một loại an toàn để đẩy lùi các tác nhân độc hại, ngay cả khi chúng gần như vô hình.
Bác sĩ Richard Saint Cyr, làm việc tại Tổ chức Y tế Gia đình Bắc Kinh cho biết, có 4 yếu tố quyết định đến tác dụng của một chiếc khẩu trang: chất liệu, độ ôm với gương mặt, độ thông thoáng và tính thẩm mĩ.
Chất liệu các lớp sẽ quyết định khả năng lọc các vật chất nhỏ đến kích thước như thế nào của khẩu trang. Khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải không thể đảm bảo lọc được các loại bụi có kích thước nhỏ như PM10 hay PM2,5.
Thay vào đó, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Mĩ đề nghị bạn lựa chọn những loại khẩu trang được chứng nhận về khả năng lọc bụi kích thước nhỏ, chẳng hạn như N95, N99.
Một chiếc khẩu trang an toàn cần lọc được gần như triệt để các loại bụi mịn PM10, bụi siêu mịn PM2,5 và các loại vi khuẩn, virus có hại cho sức khoẻ.
Benjamin Barrett – giáo sư Khoa học Chất lượng Không khí tại King’s College, London, Anh Quốc, tư vấn trên CNN, độ vừa vặn với khuôn mặt là tiêu chí quan trọng bậc nhất của một chiếc khẩu trang, quyết định xem không khí bẩn có thể “nghiễm nhiên” lọt vào phía trong mà không đi qua màng lọc hay không.
Bác sĩ Saint Cyr cũng khẳng định, phần lớn các loại khẩu trang được bán trong các cửa hàng tiện lợi không đạt tiêu chuẩn ôm sát khuôn mặt. “Một điều đáng lo lắng là, mọi người đeo chúng, đi lại khắp mọi nơi với niềm tin rằng mình đang được bảo vệ”.
Theo các chuyên gia, một chiếc khẩu trang an toàn cần phải ôm sát lấy gương mặt, để lọt tối đa 5% không khí thường qua các kẽ hở.
Ngoài ra, hai yếu tố khác quyết định đến việc người dùng có sẵn lòng đeo khẩu trang hay không chính là độ thoáng của khẩu trang và tính thẩm mĩ của nó.
Nếu một chiếc khẩu trang bí bách, không khí khó lòng lọt qua thì việc thở của người dùng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những người vận động ngoài trời, hệ hô hấp hoạt động mạnh.
Ngoài ra, một chiếc khẩu trang còn cần có tính thẩm mĩ cao, nghĩa là cấu trúc không quá kì quặc, màu sắc và hoạ tiết đẹp. Điều này khiến người dùng cảm thấy thoải mái, tự tin và sẵn lòng đeo khẩu trang đi khắp mọi nơi.