AI "woebots" giúp các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn trong chuyện tình cảm nối lại quan hệ, mà không cần đến các chuyên gia tư vấn là con người.
Đã có rất nhiều phản hồi tích cực từ dịch vụ mới mẻ này. Công ty Relate – nơi phát minh ra AI này nói rằng chatbot có thể cung cấp những hỗ trợ vô cùng chất lượng cho các cặp vợ chồng.
AI "woebots" có thể là giải pháp cho nhu cầu tư vấn ngày càng tăng ở Anh, người đứng đầu tổ chức từ thiện lớn nhất nước Anh cho biết. Việc thiếu hụt nhân viên tư vấn con người đã mở ra cơ hội để các nhà cung cấp tạo ra các dịch vụ hỗ trợ cảm xúc được cung cấp bởi máy tính thông qua trò chuyện trực tuyến, nhắn tin hay WhatsApp.
Aidan Jones, giám đốc điều hành của Relate, nói rằng các chatbot AI trong một số trường hợp có thể cung cấp sự trợ giúp cho các cặp vợ chồng đang gặp rắc rối giống như các tư vấn viên con người. Các chuyên gia cũng tuyên bố rằng một số người có thể “mở lòng” hơn rất nhiều khi được AI tư vấn. Những "woebots" tương tự, ví dụ như AI "Ellie" đã được thử nghiệm trên những người lính của Quân đội Hoa Kỳ bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Ông Jones nói với The Times: “Chúng ta phải xem xét kĩ hơn những dịch vụ tư vấn có thể thực hiện được mà không cần sự hiện diên của chuyên gia tư vấn là con người. AI có thể học khi nó tương tác với các khách hàng khác nhau và phản ứng một cách phù hợp - giống như một cố vấn con người thực sự".
AI “gỡ rối tơ lòng”.
Hiện tại, Relate có một dịch vụ trò chuyện trực tiếp có thể tư vấn cho hơn 15.000 người mỗi năm. Ông Jones nói: “Các cố vấn của chúng tôi nói với tôi rằng những người muốn giấu danh tính sẽ giải thích vấn đề của họ nhanh hơn khi trò chuyện với chatbot hơn là lúc ở trong phòng tư vấn”. Relate đang tìm kiếm những cách mới để hỗ trợ khách hàng tốt hơn, bao gồm cả việc sử dụng webcam, nhưng cũng nói rằng họ sẽ không cắt giảm 1.500 nhân viên tư vấn của mình. Nhưng với hiệu quả mà AI tư vấn mang lại thì lời khẳng định này không đáng tin lắm.
Quân đội Hoa Kỳ đang nghiên cứu về triển vọng sử dụng các nhà trị liệu robot cho các binh sĩ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Ý tưởng này được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam California, họ đã dành nhiều tháng để phân tích cách để kết nối với những người lính một cách tình cảm.
Bình thường trong các cuộc điều tra để đánh giá sức khỏe tâm thần, các sĩ quan quân đội đều miễn cưỡng tiết lộ các vấn đề về sức khỏe tâm thần của họ. Các chuyên gia cho rằng phần lớn họ sợ câu trả lời của mình có thể ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp. Quân đội Hoa Kỳ hiện đang tìm kiếm các kỹ thuật mới để xóa bỏ sự miễn cưỡng này vì các vụ tự tử, bắn nhau và uống thuốc chống lo âu liên quan đến PTSD ngày càng gia tăng trong binh lính.
Những người lính trò chuyện cởi mởi hơn với chatbot.
Sau một loạt các bài kiểm tra và phỏng vấn, họ phát hiện ra rằng những người lính đưa ra câu trả lời chi tiết và trung thực hơn khi nói chuyện với máy tính hơn với con người - và thậm chí họ còn cởi mở hơn khi tâm sự với các nhà trị liệu ảo - nói cách khác, là robot. Các robot - được gọi là Ellie - cho người lính cảm giác gần gũi giống như con người nhưng lại không đưa ra những đánh giá khiến những người lính lo sợ, các nhà nghiên cứu kết luận.
Hiện tại các AI đã trò chuyện với những người lính và cựu chiến binh phục vụ trong khu vực chiến tranh. Những người lính có khả năng tiết lộ các triệu chứng căng thẳng sau chấn thương cao hơn gấp ba lần đối với Ellie - chatbot ảo - so với khi họ tham gia cuộc khảo sát chính thức được gọi là đánh giá sức khỏe sau chấn thương, mặc dù tính ẩn danh của họ đã được đảm bảo, các nhà nghiên cứu báo cáo trong hội nghị Frontiers in Robotics và AI.
“Chúng tôi tin rằng điều này có thể có giá trị đối với các cựu chiến binh", lãnh đạo nghiên cứu Gale Lucas, nhà tâm lý học nghiên cứu tại Viện Công nghệ Sáng tạo của Đại học Nam California ở Los Angeles cho biết.