Nếu không thoát theo con đường tự nhiên, khí xì hơi sẽ tạo ra áp lực lớn gây căng bụng rồi thoát ra từ mũi và miệng.
Theo NTV, giáo sư Clare Collins chuyên nghiên cứu về trung tiện, Đại học Newcastle, cho biết nếu bạn nhịn xì hơi quá lâu, khí sẽ bị hấp thụ vào máu sau đó thoát ra từ mũi và miệng. Cố nhịn xì hơi không phải là giải pháp tốt, thậm chí còn có thể gây ra nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe.
"Nhịn trung tiện quá lâu sẽ tạo ra áp lực lớn gây khó chịu cho cơ thể. Khí tích tụ lại ở đường ruột có thể làm căng cơ bụng, một lượng khí sẽ bị tái hấp thụ vào hệ tuần hoàn và thoát ra qua hơi thở của bạn", bà Collins nói.
Xì hơi dù có hơi bất lịch sự nhưng thải nó ra qua đường hậu môn sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của bạn hơn. (Ảnh: KP).
Thay vì nhịn, khi cảm thấy có một lượng khí tích tụ và chuẩn bị thoát ra, bạn nên chủ động tìm vị trí thuận tiện để giải phóng chúng ra ngoài. Khí thoát ra theo đường tự nhiên là cách tốt nhất cho đường tiêu hóa của bạn.
Bà Collins cho biết thêm, xì hơi là hoạt động sinh lý cơ bản của con người. Quá trình tiêu hóa có thể mất 42 giờ và gây ra khí trong ruột. Phần lớn khí này khuếch tán vào máu và được thải ra qua phổi. Bạn xì hơi có thể do thành phần của thức ăn hoặc triệu chứng khó tiêu. Mùi của trung tiện là mùi cặn bã từ trực tràng và ruột già bị đẩy ra ngoài.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn tới cường độ và mức độ của mỗi lần cơ thể xì hơi. Để hạn chế, mọi người nên ăn đầy đủ chất xơ, nhiều rau xanh và trái cây. Nên ăn chậm, nhai kỹ để đường ruột không tích tụ quá nhiều khí.