Khoa học đã chứng minh “tiếng sét ái tình” chỉ là sự ham muốn thể xác

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên hay còn gọi là “tình yêu sét đánh”: Có thật hay không?
  •   42
  • 3.387

Trong sự phấn khích của sự lãng mạn, có thể dễ dàng tin rằng hai người xa lạ có thể yêu nhau ngay lần đầu gặp mặt. Nhưng tình yêu đến từ cái nhìn đầu tiên có thật không?

Bạn đang trong một bữa tiệc và nhìn xung quanh. 1, 2, 3… 5, trái tim bỗng rơi mất một nhịp. Đôi mắt bạn rực lên, tâm trí rộn ràng như pháo hoa. Đó chính xác là những biểu hiện của việc bạn bị trúng "tiếng sét ái tình".

Có thể đó cũng là viễn cảnh của nhiều người khi trông chờ một cuộc gặp gỡ tình cờ với một nửa còn lại. Dù nghe như một câu chuyện cổ tích, tuy nhiên trên thực tế lại hoàn toàn khác.

Tình yêu hay ham muốn?

Tình yêu là gì? Có thể có nhiều định nghĩa khác nhau về tình yêu. Theo từ điển Merriam-Webster, tình yêu là “tình cảm mãnh liệt dành cho người khác phát sinh từ mối quan hệ họ hàng hoặc cá nhân”, trong khi một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Rutgers, New Jersey, gợi ý rằng tình yêu có thể được chia thành ba loại: ham muốn, sự hấp dẫn và gắn bó.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 12/2017 trên Tạp chí của Hiệp hội quốc tế về Nghiên cứu các mối quan hệ, "tiếng sét ái tình" hay "yêu từ cái nhìn đầu tiên"dường như xuất phát từ sự ham muốn hay khao khát được "gần gũi" nhiều hơn là tình yêu đích thực.

Trong khi các hormone testosterone và estrogen, được điều khiển bởi hạch hạnh nhân - vùng não điều chỉnh cảm xúc - chịu trách nhiệm về ham muốn, thì sự hấp dẫn được xác định bởi các trung tâm căng thẳng và khen thưởng - nhân accumbens và não thất.

Các chất dẫn truyền thần kinh dopamine, noradrenaline và cortisol đều hoạt động khi một người cảm thấy bị thu hút bởi ai đó. Khi nói đến sự gắn bó, oxytocin và vasopressin chiếm ưu thế hơn.

"Tiếng sét ái tình" có thật sự tồn tại?
"Tiếng sét ái tình" có thật sự tồn tại?

Đến nay, có khá ít nghiên cứu khoa học liên quan đến việc xác định "tiếng sét ái tình" có thực sự tồn tại hay không. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng 3 loại hình nghiên cứu, gồm thí nghiệm, khảo sát trực tuyến và tổ chức buổi hẹn hò, trong đó có một buổi hẹn hò nhanh.

Nghiên cứu trên có sự tham gia của 400 tình nguyện viên, hầu hết là sinh viên tại Hà Lan và Đức, với hơn 500 buổi tiếp xúc. Nghiên cứu yêu cầu những người tham gia báo cáo lại mỗi khi "bị sét đánh", sau đó ghi lại mức độ hấp dẫn về ngoại hình của đối phương mà họ cảm nhận. Các nhà nghiên cứu cũng yêu cầu người tham gia tự đánh giá họ cảm nhận như thế nào về sự thân mật, sự hấp dẫn ngoại hình, sự chung thủy, sự say mê và những khái niệm khác thường gắn liền với "tình yêu đích thực".

Nghiên cứu cho thấy có 32 người tham gia bị "tiếng sét ái tình" đánh trúng 49 lần (có nghĩa là rất nhiều người không được trải nghiệm trạng thái này). Tuy nhiên, khảo sát quan điểm về sự chung thủy và sự thân mật, những phần quan trọng của tình yêu, những người có "tiếng sét ái tình" lại không có sự tương quan chặt chẽ. Kết quả này không quá ngạc nhiên khi "tiếng sét ái tình" thường xảy ra với một đối tượng được xem là hấp dẫn về ngoại hình.

"Trải nghiệm "tiếng sét ái tình" được khẳng định bằng sự ham muốn cao, không phải sự thân mật hay sự thủy chung. Hấp dẫn về ngoại hình có tỉ lệ cao dẫn đến "tiếng sét ái tình"", trong báo cáo của nghiên cứu viết. "Vì vậy, chúng tôi cho rằng "tiếng sét ai tình" không phải một dạng tình yêu khác biệt, mà là sự thu hút mạnh mẽ từ cái nhìn ban đầu hoặc khi hồi tưởng lại được một số người gọi là "tiếng sét ai tình"".

Về từ "hồi tưởng" được đề cập ở trên, các nhà nghiên cứu giải thích rằng nhiều mối quan hệ sau khi được xác lập thành công đã nhìn nhận lại và "các cặp đôi có thể thay đổi cấu trúc ký ức của họ để thắt chặt mối quan hệ". Vì vậy, có thể họ đã ngay lập tức xem người bạn đời của mình là một đối tượng hấp dẫn và chắc chắn muốn tìm hiểu về người đó nhiều hơn. Vài năm sau đó, nhận định trên trở thành người ấy "là mảnh ghép cong thiếu của cuộc đời mình".

Yêu từ cái nhìn đầu tiên thường gắn với "tình yêu cổ tích".
Yêu từ cái nhìn đầu tiên thường gắn với "tình yêu cổ tích".

Tuy kết quả nghiên cứu hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra trong những tiểu thuyết, phim ảnh "ngôn tình", một số nhà khoa học, cũng như chuyên gia dường như cũng không đồng ý với những gì thể hiện trên phim ảnh. Đơn giản là vì họ đã thấy quá nhiều bằng chứng xác thực.

"Ai cũng muốn có một cảm xúc mạnh mẽ với đối phương, nhưng đó chính xác là phản ứng sinh học của sự ham muốn và hấp dẫn ngoại hình được giải phóng bởi các hormone trong não. Sự ham muốn tức thì này thường nhanh chóng biến mất khi bạn gạt qua sự hấp dẫn và tiến tới tìm hiểu nhau", Caitlin Bergstein giải thích, cô là người mai mối cho các cặp đôi tại Boston. "Để tìm được tình yêu đích thực, bạn phải hiểu rõ họ. Bạn phải hiểu ý định của họ, nắm được giá trị của họ, họ nhìn nhận thế giới như thế nào, mục tiêu trong tương lai là gì. Những phản ứng và sự liên kết giúp tạo ra một tình yêu bền vững là những thứ cần thời gian để phát triển. Vì vậy, những cảm xúc xảy ra tức thì với một ai đó không phải là chuẩn mực của tình yêu đích thực".

Andrea Leiser, đồng nghiệp của Bergstein, cũng đồng tình với ý kiến trên và thường khuyên khách hàng của cô không trói buộc bản thân với những kỳ vọng quá lớn. "Nhiều khách hàng của tôi không phải là người quá hấp dẫn trước buổi hẹn đầu tiên, và tôi sẽ thuyết phục họ nắm lấy cơ hội phù hợp với tích cách và sự ưu tiên của mỗi người", cô cho biết. "Tôi luôn nói với khách hàng rằng nếu họ có một cuộc hẹn đầu tiên suôn sẻ, chắc chắn sẽ có ít nhất thêm một lần hẹn hò nữa. Hấp dẫn về ngoại hình và tình yêu phát triển dần khi bạn hiểu đối phương hơn. Chẳng hạn như khi bạn thấy người kia đối xử tử tế với người lạ, chơi với trẻ em hoặc tạo một vài bất ngờ cho bạn trong buổi tối bạn sẽ thấy họ hấp dẫn hơn. Và cũng giống với sự hấp dẫn, tình yêu đối với vài người cũng cần thời gian để lớn dần lên".

Tình yêu là một hormone hỗn hợp?

Rất nhiều người coi tình yêu là một loại hỗn hợp hormone được tiết ra để mang lại cho hệ thần kinh của họ cảm giác sảng khoái và an toàn.

Eric Ryden, bác sĩ tâm lý học lâm sàng và nhà trị liệu cặp đôi tại phòng khám Couples Therapy ở Anh nói: “Tình yêu ảnh hưởng đến cả tâm trí và cơ thể theo những cách ấn tượng. Song song với hưng phấn và những suy nghĩ ám ảnh, có sự gia tăng tiết hormone hạnh phúc, chủ yếu là dopamine - liên quan đến phần thưởng và niềm vui - và oxytocin - đôi khi được gọi là hormone tình yêu vì nó có liên quan đến cảm giác ấm áp, tình yêu và sự tin tưởng.Như chúng ta đã thấy trước đó, những kích thích tố này có xu hướng cao hơn trong giai đoạn gắn bó, thay vì ham muốn hoặc hấp dẫn ban đầu".

Yêu hay nghiện?

Giai đoạn đầu của tình yêu có thể trông giống như nghiện, tiến sĩ Deborah Lee, chuyên gia về sức khỏe sinh sản và nhà văn y khoa của Dr Fox Online Pharmacy ở Anh nói: “Các khu vực tương tự của não kích hoạt trong cả tình yêu sớm và nghiện cocaine. Khi một người yêu tập trung vào đối tác của họ, họ cảm thấy điên cuồng, trải qua tâm trạng thất thường cùng với những cơn hưng phấn, hành động một cách ám ảnh và/hoặc cưỡng bức, đang sống trong một thực tế méo mó và thường trở nên phụ thuộc vào người kia - theo cách tương tự như một người cư xử khi nghiện cocaine”.

Cảm giác này dịu đi khi mối quan hệ già đi và giai đoạn sau của tình yêu lãng mạn không còn bắt chước nghiện ma túy nữa, theo một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Frontiers in Psychology.

Tình yêu sét đánh chỉ là ham muốn và tình yêu đích thực sẽ đến sau.
Tình yêu sét đánh chỉ là ham muốn và tình yêu đích thực sẽ đến sau.

Trạng thái cảm xúc?

Theo một bài báo năm 2012 trên Tạp chí Khoa học thần kinh, ký ức có thể bị thay đổi khi mọi người nhớ lại chúng, thường bị ảnh hưởng bởi trạng thái cảm xúc của một người khi họ nhớ lại. Lần sau khi ai đó nhớ lại cùng ký ức đó, nó sẽ bị biến dạng nhiều hơn so với lần trước.

Do đó, nhận thức về đối tác của một người và cách ai đó có thể cảm nhận ban đầu về họ có thể bị bóp méo bởi cảm xúc hiện tại dành cho họ. Vì vậy, trong khi mọi người có thể nghĩ rằng đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, thì điều đó có thể không đúng.

Ngoài khả năng nhớ lại bị bóp méo, nhận thức của một người về đối tác của họ nói chung là theo hướng tích cực hoặc thiên vị, do một hiện tượng được gọi là "ảo tưởng tích cực".

Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience gợi ý rằng, những cặp đôi hạnh phúc nhất là những cặp đôi nhìn nhau qua "lăng kính màu hồng", ít xung đột và nghi ngờ hơn và tăng sự hài lòng trong mối quan hệ.

Ảo tưởng tích cực cũng có thể đánh lừa mọi người nghĩ rằng họ đã yêu nhau ngay từ ngày đầu tiên, trong khi thực tế phải mất một thời gian dài hơn để đạt được điều đó.

Cập nhật: 03/08/2024 VnReview/Tiền Phong
  • 42
  • 3.387