Khoa học nói: tiếng sáo có thể giúp phát triển não của trẻ sinh non

  •   4,52
  • 508

Các nhà nghiên cứu của Thụy Sỹ mới đây vừa đưa ra kết luận tiếng sáo êm dịu sẽ có khả năng giúp phát triển não bộ cho trẻ sinh non. Điều này có thể sẽ là cứu cánh cho tình hình hiện nay ở Anh Quốc và Thụy Sỹ khi tỷ lệ sinh non lên đến gần 1%, trong đó có các trường hợp thai kỳ chỉ mới khoảng 32 tuần. Nhờ công nghệ chăm sóc sức khỏe mới và y tế phát triển, khả năng sống sót khi sinh non ngày càng được cải thiện, tuy nhiên vấn đề đáng nói ở đây là sự phát triển não bộ của trẻ sau khi sinh non.

Các chuyên gia cho biết não bộ của thai nhi khi còn trong bụng mẹ sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường xung quanh, trong đó có cả trạng thái tinh thần của mẹ bầu nữa. Môi trường ồn ào và gây stress có ảnh hưởng nhiều nhất đến não bộ của thai nhi, từ đó dễ trở thành tiền đề cho các triệu chứng thần kinh sau này.

Vấn đề này tuy vậy có thể đã có câu trả lời.

Trẻ sinh non

Nhóm chuyên gia của trường Đại học Geneva (UNIGE) và trường Đại học Y dược (HUG) hiện đang nghiên cứu ý tưởng mới sử dụng âm nhạc êm dịu như một phương thuốc cho trẻ sơ sinh. Nhà soạn nhạc Andreas Vollenweider rất ủng hộ ý tưởng này và bắt đầu tìm tòi sáng tác với mục tiêu tạo ra một kiểu âm nhạc phù hợp nhất cho các bệnh nhi. Ông thử nghiệm bằng cách chơi nhiều loại nhạc cụ để đánh giá được các bé thích nghe cái nào nhất, và kế bên luôn có một điều dưỡng sẵn sàng hỗ trợ khi cần.

Lara Lordier, nghiên cứu viên ở trường đại học UNIGE và HUG cho biết: "Giai điệu làm các bé chú ý nhất là tiếng kèn pungi, là loại kèn thường để dụ rắn. Những trẻ đang quấy khóc ngay lập tức nín ngay và lắng nghe tiếng nhạc". Vollenweider ngay lập tức sáng tác 3 bài nhạc sử dụng kèn pungi, đàn harp và chuông để có thể thay đổi cho các bé nghe. Các nhà nghiên cứu còn sử dụng công nghệ hình ảnh cộng hưởng từ FMRI (Functional Magnetic Resonance Imaging) để theo dõi và nhận thấy rằng trẻ được nghe các giai điệu này có chức năng não bộ phát triển hơn so với trẻ sơ sinh không được nghe nhạc.

Kết quả nghiên cứu đầu tiên được công bố bởi tờ Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS) cho thấy hoạt động não bộ của trẻ được nghe nhạc diễn ra mạnh mẽ hơn, giúp tăng cường chức năng nhận biết và sắp xếp thông tin để cải thiện khả năng học hỏi, nhận thức cùng các biểu hiện hành vi khác.

Đứa trẻ đầu tiên của chương trình nghiên cứu hiện tại đã được 6 tuổi. Đây là độ tuổi mà các khiếm khuyết nếu có về thần kinh sẽ bộc lộ rõ nhất, từ đó giúp các nhà nghiên cứu đánh giá được mức độ hiệu quả của phương pháp này.

Cập nhật: 21/10/2019
  • 4,52
  • 508