NASA vừa công bố hình ảnh ngoạn mục từ Kính viễn vọng không gian Hubble, trong đó chụp cận cảnh thiên hà Arp 195 và cho thấy nó có tới 3 trái tim.
Nói đúng hơn, thiên hà Arp 195 là 3 thiên hà lớn đang trong quá trình hợp nhất, theo NASA.
Theo Sci-News, Arp 195 là một thiên hà cách xa chúng ta khoảng 763 triệu năm ánh sáng, thuộc chòm sao Lynx, còn được gọi là UGC 02653, LEDDA 24981... Hình ảnh mới cho thấy nó không phải một thiên hà bình thường mà là một cơ thể đang tái hợp dở dang, hãy còn khá rõ 3 lỗ đen trung tâm là "trái tim" của 3 thiên hà cũ.
Bức ảnh độc đáo về thiên hà Arp 195, thực ra là 3 thiên hà đang hợp nhất - (Ảnh: Hubble/NASA/ESA)
Theo nhóm điều hành Hubble từ NASA và ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), hệ thống này sẽ được đưa vào Atlas of Peculiar Galaxies, một danh sách tập hợp những thiên hà kỳ lạ nhất vũ trụ. Trước đây, họ từng chụp được khá nhiều "thiên hà đôi", là 2 thiên hà đang hợp nhất, nhưng một "quái vật" đang dần thành hình từ 3 thiên hà hợp nhất cùng lúc như thế này thì là khoảnh khắc vô cùng đáng giá.
Cuộc hợp nhất này có thể là ngày tận thế với một số hành tinh có sự sống trong 3 thiên hà ban đầu, tuy nhiên cũng góp phần tạo nên một thiên hà to lớn hơn, mạnh mẽ hơn, kích thích quá trình hình thành sao trong thiên hà mới, từ đó sinh ra nhiều thế giới mới.
Sự hợp nhất thiên hà vốn khá phổ biến trong vũ trụ. Bản thân thiên hà chứa Trái đất Milky Way cũng dược dự đoán sẽ có cuộc va chạm và hợp nhất với thiên hà Andromera (Tiên Nữ) trong khoảng 2 tỉ năm nữa, một sự kiện có thể hất văng hành tinh bé nhỏ của chúng ta ra khỏi "vùng sự sống".
Trước đó, bản thân Milky Way cũng đã đạt đến kích cỡ khổng lồ như hiện nay nhờ hàng loạt cú va chạm và hợp nhất tương tự. Vốn được sinh ra như một thiên hà cỡ lớn của vũ trụ và ngày càng lớn hơn sau các cuộc hợp nhất, nên "quái vật" chứa Trái đất đã luôn dành phần thắng trong suốt hơn 12 tỉ năm tuổi đời. Một nghiên cứu công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society vào cuối năm 2020 thống kê được tới... 16 thiên hà khác là nạn nhân của Milky Way.