Khối cầu kim loại 83,6kg khiến Mỹ "dậy sóng": Tiếng bíp bíp làm quan chức Nhà Trắng lo sợ

  •  
  • 2.483

Căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã thúc đẩy một cuộc chạy nước rút về công nghệ vào vũ trụ - mà đỉnh điểm là cuộc hạ cánh lịch sử lên Mặt trăng năm 1969.

Căng thẳng dâng cao tại Sân bay vũ trụ Baikonur vào sáng ngày 12 tháng 4 năm 1961, khi Liên Xô chuẩn bị đưa người đầu tiên trong lịch sử bay vào vũ trụ.

Trong số 16 nỗ lực trước đó để phóng tên lửa Vostok của Liên Xô vào quỹ đạo, một nửa trong số đó đã thất bại.

Hai trong số các kỹ sư hàng đầu của chương trình không gian được cho là đã phải uống thuốc an thần vào ngày 12/4 năm đó khi họ chờ máy bay cất cánh tại bãi phóng Kazakhstan. Nhưng Yuri Gagarin vẫn bình tĩnh trong khoang tàu vũ trụ Phương Đông nằm trên đỉnh tên lửa.

Sau nhiều tháng huấn luyện nghiêm ngặt về thể chất và kỹ thuật, nhà du hành vũ trụ 27 tuổi đã được chọn cho chuyến bay lịch sử. Thông minh, chăm chỉ và được lòng các đồng đội, đó là những đặc điểm nổi trội của Yuri Gagarin được các bác sĩ Lực lượng Không quân Liên Xô nhận định; và anh cũng được Asif Siddiqi - nhà sử học vũ trụ người Mỹ gốc Bangladesh – ghi chép lại rằng: "Gagarin hiểu cuộc sống hơn rất nhiều bạn bè cùng trang lứa".

Lúc 9:07 sáng ngày 12/4/1961, Gagarin hô to "Poyekhali!" - có nghĩa là "Đi thôi!" trong tiếng Nga - khi tên lửa cất cánh.

Anh kể lại trải nghiệm của mình cho những người trên mặt đất khi tên lửa tăng tốc lên tốc độ khủng khiếp 27.358 km/giờ đã đẩy anh trở lại chỗ ngồi của mình. "Tôi nhìn thấy Trái Đất. Vạn vật thật kỳ vĩ và đẹp đẽ".

Một lúc sau, nhà du hành vũ trụ Liên Xô trở thành người đầu tiên trong lịch sử nhân loại bay trong không gian và 89 phút sau khi phóng, Yuri Gagarin là người đầu tiên quay quanh hành tinh này.

Đó là "thời khắc vàng" vô cùng quan trọng trong cuộc chạy đua không gian giữa Mỹ và Liên Xô - mấu chốt để người Mỹ sau này đưa con người lần đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên Mặt trăng vào cuối thập kỷ 1960 đó.

Tuy nhiên, đó không phải là nơi mà câu chuyện về chuyến bay của con người vào không gian thực sự bắt đầu: Quỹ đạo đó đã được lập biểu đồ nhiều năm trước đó bởi một thành công khác của Liên Xô.

Nỗi sợ của Mỹ: Cuộc đua bắt đầu

Mặc dù là đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ và Liên Xô ngày càng nghi ngờ lẫn nhau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945. Mỹ vừa chứng tỏ khả năng hủy diệt toàn bộ thành phố bằng cách thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki để buộc Nhật Bản đầu hàng. Do đó, châm ngòi cho cuộc Chiến tranh Lạnh, nơi Mỹ và Liên Xô tranh giành quyền thống trị thế giới.

Để chứng minh khả năng công nghệ vượt trội của mình, cả hai nước đều bắt đầu xây dựng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp thế giới. Vào giữa những năm 1950, cả hai quốc gia đã công bố kế hoạch sử dụng những tên lửa này để đẩy các vệ tinh nhân tạo vào không gian. Trong khi Mỹ lên lịch khởi động Dự án Vanguard năm 1958, thì Liên Xô lặng lẽ quyết tâm đánh bại Mỹ.

Vào ngày 4 tháng 10 năm 1957, thế giới đã ngạc nhiên khi Liên Xô thông báo rằng họ đã phóng một vệ tinh tự nhiên có tên Sputnik 1, tiếng Nga có nghĩa là "bạn đồng hành" vào quỹ đạo Trái Đất trước sự ngỡ ngàng của Mỹ. Mặc dù vệ tinh Sputnik 1 không lớn hơn một quả bóng bãi biển và khả năng kỹ thuật còn hạn chế, nhưng sự kiện này cũng đủ khiến người Mỹ sợ hãi khi họ nghe thấy tín hiệu vô tuyến "bíp, bíp, bíp" khi nó bay qua trên đầu.

Sputnik 1 - Vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử
Sputnik 1 - Vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử, do Liên Xô chế tạo. Sputnik 1 nặng gần 84 kg, đường kính 58 cm, hai cặp ăng-ten dài 2,4-2,9 mét. (Ảnh/Nguồn thông tin: NASA)

Tổng thống Dwight Eisenhower khi đó có những lo lắng riêng. Các quan chức Nhà Trắng lo sợ về việc liệu thế giới có coi Liên Xô là siêu cường tối tân hơn hay không. Họ viết trong một báo cáo rằng vụ phóng của vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử Sputnik 1 sẽ "tạo ra huyền thoại, truyền thuyết và sự mê tín lâu dài thuộc loại đặc biệt khó xóa bỏ hoặc sửa đổi, mà Liên Xô có thể khai thác nhiều lợi thế cho chính họ".

Rõ ràng, khối cầu kim loại nhỏ bé bằng nhôm, đường kính 58 cm, nặng 83,6 kg đó của Liên Xô có thể khiến Mỹ chao đảo vì lo sợ. Lo sợ vì vị thế không gian của Liên Xô sẽ khiến sức mạnh Mỹ trong mắt quốc tế bị mai một.

Không muốn nhượng bộ không gian cho Liên Xô, Mỹ đã thành lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) vào tháng 7 năm 1958 và bắt đầu theo đuổi mục tiêu bay vào vũ trụ một cách nghiêm túc.

Yuri Gagarin & Alan Shepard

Du hành vũ trụ của con người không phải là một khái niệm mới lạ vào những năm 1950. Mỹ đã phóng tên lửa đưa động vật - bao gồm ruồi giấm và khỉ Rhesus - vào không gian dưới quỹ đạo từ cuối những năm 1940, trong khi Liên Xô bắt đầu phóng chó vào năm 1951.

Chỉ vài tuần sau khi phóng Sputnik 1 năm 1957, Liên Xô đã đưa một chú chó tên là Laika vào quỹ đạo. Laika chết trong vài giờ sau chuyến bay vì nóng và căng thẳng.

Việc phóng động vật vào vũ trụ là các sứ mệnh tiền đề, bởi mục tiêu thực sự là đưa con người bay vào không gian.

Năm 1958, NASA khởi động Dự án Mercury với ba mục tiêu cụ thể: Đưa một người Mỹ lên quỹ đạo quanh Trái Đất, nhằm điều tra khả năng chịu đựng của cơ thể con người khi bay vào vũ trụ; và đưa cả tàu vũ trụ và phi hành gia về nhà an toàn. Mục tiêu tối quan trọng: Hoàn thành tất cả những điều này trước Liên Xô.

Tuy nhiên, một lần nữa Liên Xô đã chứng tỏ là nước dẫn đầu. Chuyến bay lịch sử của Yuri Gagarin diễn ra MỘT THÁNG TRƯỚC KHI phi hành gia Mỹ Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên vào không gian vào ngày 5 tháng 5 năm 1961. Mặc dù chuyến bay dưới quỹ đạo 15 phút trên tàu Freedom 7 của Alan Shepard là một cột mốc quan trọng - được hàng triệu khán giả truyền hình theo dõi - nó đã bị lu mờ bởi hành trình vòng quanh Trái Đất của phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin.

Hai phi hành gia huyền thoại của Liên Xô và Mỹ: Yuri Gagarin (trái, Liên Xô) và Alan Shepard (Mỹ).
Hai phi hành gia huyền thoại của Liên Xô và Mỹ: Yuri Gagarin (trái, Liên Xô) và Alan Shepard (Mỹ).

Nhiều tuần sau chuyến bay của Alan Shepard, Tổng thống John F. Kennedy đứng trước một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ, thừa nhận rằng nước Mỹ đã không coi trọng đúng mực việc khám phá không gian. Ông tuyên bố ý định đặt khám phá không gian trở thành mục tiêu hàng đầu và đưa ra một thách thức chưa từng có: Mỹ phải đưa bằng được con người lên Mặt trăng vào cuối thập niên 1960!

"Không có dự án không gian đơn lẻ nào trong thời kỳ này sẽ gây ấn tượng hơn với nhân loại, hoặc quan trọng hơn đối với việc khám phá không gian tầm xa; và sẽ không có việc nào quá khó hoặc tốn kém để hoàn thành, "ông nói. "Theo một nghĩa rất thực tế, sẽ không phải chỉ có một người lên Mặt trăng — nếu chúng ta đưa ra nhận định này một cách khẳng định, đó sẽ là cả một quốc gia".

Cuộc đua của "kẻ tám lạng, người nửa cân"

Tuy nhiên, trước khi NASA có thể mạo hiểm lên Mặt trăng, các nhà khoa học và kỹ sư của NASA còn phải học hỏi nhiều điều. Cơ quan vũ trụ đã thúc đẩy Dự án Mercury, đưa phi hành gia John Glenn trở thành người Mỹ đầu tiên quay quanh Trái Đất vào tháng 2/1962. Vào tháng 5 năm 1963, Gordon Cooper đã hoàn thành chuyến bay theo quỹ đạo 22, một hành trình mất khoảng 34 giờ 20 phút - đưa ông trở thành người Mỹ đầu tiên dành trọn 1 ngày trong không gian, đồng thời là người đầu tiên ngủ trong không gian.

Tuy nhiên, một tháng sau, Liên Xô lại khiến Mỹ "đau đầu": Nhà du hành vũ trụ Liên Xô Valery Bykovsky đã trải qua 4 ngày và 23 giờ trong không gian - giữ kỷ lục về chuyến bay một mình dài nhất trong không gian - và Valentina Tereshkova của Liên Xô trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ.

Sau Dự án Mercury, NASA đã nâng cao khả năng bay vũ trụ của mình với Dự án Gemini. Được coi là cầu nối với Mặt trăng, mục tiêu của Dự án Gemini là đến điểm hẹn và cập bến trên quỹ đạo Mặt trăng, kiểm tra các hoạt động thâm nhập bầu khí quyển và xác định thời gian du hành vũ trụ ảnh hưởng đến con người như thế nào.

Trong khi đó, Liên Xô vẫn liên tục lập những kỳ tích mới. Vào tháng 3 năm 1965, nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov trở thành người đi bộ ngoài không gian. Chuyến đi kéo dài 12 phút 9 giây, ở độ cao 500km; con đường đi bộ không gian đặc biệt khó khăn: Bộ đồ vũ trụ của Alexei Leonov quá cứng khiến cho nhiệm vụ quay trở lại tàu vũ trụ của anh gặp rắc rối. May mắn, Alexei Leonov đã xử lý thông minh, kịp thời để sống sót trong nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử du hành.

10 tuần sau, ngày 3 tháng 6 năm 1965, Ed White trở thành người Mỹ đầu tiên đi bộ trong không gian.

Sau đó, Mỹ bắt đầu có lợi thế hơn đối với Liên Xô: Vào tháng 12 năm 1965, các phi hành gia trên tàu Gemini 7 đã lập kỷ lục về thời gian du hành nhiều nhất trong không gian trong một sứ mệnh kéo dài hai tuần. Gemini 8 lập được kỷ lục khi hai phi thuyền không gian kết nối với nhau trên quỹ đạo năm 1966 - mặc dù một trục trặc đã khiến tàu vũ trụ quay ngoài tầm kiểm soát, tuy nhiên chỉ huy Neil Armstrong 35 tuổi đã phục hồi trong gang tấc.

Sau 10 chuyến bay có phi hành đoàn trong 5 năm, Dự án Gemini kết thúc với sứ mệnh Gemini 12 vào ngày 15 tháng 11 năm 1966 — một nhiệm vụ trong đó Edwin "Buzz" Aldrin đã lập kỷ lục 5 giờ 30 phút khám phá bên ngoài tàu vũ trụ.

Cuối cùng thì đã đến lúc người Mỹ đi lên Mặt trăng.

Dấu chân lịch sử trên Mặt trăng

Khi tiến hành các sứ mệnh Gemini, NASA đã bắt đầu phát triển tàu vũ trụ cho chương trình Apollo. Tàu vũ trụ bao gồm một mô-đun chỉ huy / dịch vụ sẽ bay lên Mặt trăng và đi vào quỹ đạo, một mô-đun còn lại là mô-đun Mặt trăng sẽ hạ cánh lên Mặt trăng và rồi sau đó kết nối lại với mô-đun chỉ huy để trở về Trái Đất.

Tuy vậy, chương trình Apollo của Mỹ đã có một khởi đầu bi thảm.

Vào ngày 27 tháng 1 năm 1967, các phi hành gia Gus Grissom, Ed White và Roger Chaffee đã thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn trên bệ phóng trong một cuộc thử nghiệm trên mặt đất cho sứ mệnh dự kiến ​​vào tháng Hai cùng năm của họ. Một cuộc điều tra kết luận rằng ngọn lửa bắt nguồn từ một đoạn ngắn mạch trong dây điện gần chỗ ngồi của Gus Grissom, và ngọn lửa lan nhanh do nồng độ oxy cao và các vật liệu dễ cháy trong cabin.

Sau một thời gian dài đánh giá lại thiết kế và độ an toàn của tàu vũ trụ, phi hành đoàn Apollo đầu tiên được thực hiện vào ngày 11 tháng 10 năm 1968, khi tàu Apollo 7 bay vào quỹ đạo Trái Đất.

Sau đó, sứ mệnh được thực hiện bằng chuyến bay đầu tiên lên Mặt trăng, cách đó hơn 370.149 km. Trước Apollo 8, con người ở xa Trái Đất nhất là khoảng 1.367 km. Phi hành đoàn quay quanh Mặt trăng 10 lần trong khoảng thời gian từ ngày 24/12 đến ngày 25/12/1968. Ba phi hành gia là những người đầu tiên được tận mắt nhìn thấy phía xa của Mặt trăng và quan sát khi Trái Đất nhô lên trên đường chân trời của Mặt trăng.

Sứ mệnh Apollo 9 vào tháng 3/1969 là chuyến bay đầu tiên có mang theo mô-đun Mặt trăng, thử nghiệm tàu ​​vũ trụ trên quỹ đạo Trái Đất. Apollo 10 hồi tháng 5/1969 đã đưa mô-đun Mặt trăng lên Mặt trăng và đi xuống trong phạm vi 15 km so với bề mặt vệ tinh tự nhiên này.

Cuối cùng vào ngày 16 tháng 7 năm 1969, Apollo 11 đã gây chấn động lịch sử. Vào ngày thứ 5 trong không gian, các phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin chuẩn bị hạ cánh mô-đun Mặt trăng có tên Eagle (Đại bàng) lên bề mặt Mặt trăng. Họ chạm vào bề mặt chính xác lúc 3:17 chiều giờ Houston vào ngày 20/7 — và vài giờ sau, lúc 9:56 tối, Neil Armstrong trở thành người đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên Mặt trăng.

Sau thời khắc đi vào lịch sử đó, phi hành gia Mỹ đã có câu nói rất nổi tiếng: "Đây là bước chân nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại".

Trong hai giờ tiếp theo, Armstrong và Aldrin đã thu thập các mẫu đất đá và thiết lập các thí nghiệm. Họ để lại một lá cờ Mỹ cắm trên bề mặt của Mặt trăng cùng một tấm bảng ghi: "Chúng tôi đến vì hòa bình cho tất cả nhân loại."

Khám phá tiếp theo

Sau thành công vang dội lịch sử của Apollo 11, Mỹ thực hiện thêm 5 chuyến du hành thành công của phi hành đoàn lên bề mặt Mặt trăng trong những năm sau đó. Các phi hành gia đã thu thập các mẫu, thực hiện các thí nghiệm khoa học và thử nghiệm một máy bay thám hiểm Mặt trăng. Chương trình kết thúc vào tháng 12 năm 1972 với tàu Apollo 17, nơi chứng kiến ​​các phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt dành hơn 3 ngày trên Mặt trăng.

Sau khi thực hiện thành công sứ mệnh lên Mặt trăng, Mỹ và Liên Xô bắt đầu hợp tác. Năm 1975, các quốc gia đã khởi động sứ mệnh chung đầu tiên của họ, Apollo-Soyuz, trong đó các tàu vũ trụ của Mỹ và Liên Xô đã cập bến thành công với nhau khi ở trên quỹ đạo - cho phép phi hành đoàn của họ gặp nhau trong không gian. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Mỹ và Nga tiếp tục quan hệ đối tác trong không gian, cùng nhau hợp tác xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Một số quốc gia kể từ đó đã thực hiện các chuyến du hành không có người lái lên Mặt trăng, và Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất có các phi hành gia đặt chân lên bề mặt Mặt trăng. NASA dự định đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025 với Chương trình Artemis của mình, và các quốc gia khác như Trung Quốc cũng có kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng trong những năm hoặc vài thập kỷ tới.

Trong tương lai, con người có thể phiêu lưu tới sao Hỏa. Một cuộc hành trình như vậy sẽ đòi hỏi những công nghệ chưa từng có trước đây.

Như lời cố Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy nói với quốc dân trong một bài diễn văn năm 1962 rằng: "Chúng ta chọn đi lên Mặt trăng. Chúng ta chọn lên Mặt trăng trong thập kỷ này và làm những điều tuyệt vời khác, không phải vì dễ mà là vì khó, vì mục tiêu đó sẽ phục vụ cho việc tổ chức và đo lường tốt nhất năng lượng và kỹ năng của người Mỹ chúng ta, vì thách thức đó mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận, không trì hoãn, và phải giành chiến thắng phút cuối".

Cập nhật: 23/08/2024 Tổ Quốc
  • 2.483