Khoa tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã triển khai thành công ứng dụng gốm sinh học vào thay thế phần xương bị hỏng cho bệnh nhân bị bệnh xốp xơ tai.
Theo thạc sĩ Lê Công Định, trưởng khoa tai mũi họng, xốp xơ tai là bệnh lý mà xương bàn đạp (một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong truyền âm) bị cứng và dính vào cửa sổ bầu dục của tai trong, khiến âm thanh truyền vào bị tắc. Tai bệnh nhân bị ù, sức nghe kém dần.
Thạc sĩ Lê Công Định cho biết gốm sinh học khắc phục được cơ bản những hạn chế của các vật liệu thay xương bàn đạp khác. Gốm sinh học xốp, mềm, có thành phần hóa học tương tự như xương người nên độ thích nghi, cộng sinh với cơ thể rất nhanh. Từ khi bắt đầu ứng dụng sản phẩm gốm sinh học năm 2004 đến nay, khoa tai mũi họng đã phẫu thuật thay thế cho 150 bệnh nhân bị xốp xơ tai.
Gốm sinh học là sản phẩm đoạt giải thưởng Vifotec của Đại học Bách khoa Hà Nội, được sản xuất trong nước nên giá thành khá rẻ. Chi phí cho một lần thay xương bàn đạp bằng gốm sinh học chỉ 200.000 - 300.000 đồng (nếu thay thế bằng nhựa tổng hợp teflon nhập khẩu từ nước ngoài thì giá thành lên đến 4-5 triệu đồng/ca).