Khối sự sống hình thành trong mây vũ trụ rồi rơi xuống Trái đất

  •  
  • 484

Các nhà khoa học Đức đã tái hiện sự kiện bí ẩn 4 tỉ năm trước giúp Trái đất của chúng ta có sự sống.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ S.A.Krasnokutski từ nhóm phòng thí nghiệm vật lý thiên văn thuộc Viện Thiên văn Max Planck và Đại học Friedrich Schiller Jena (Jena, Đức) đã tập trung vào các peptit, là phiên bản nhỏ hơn của protein và là một trong những nền tảng cơ bản cần thiết để sự sống tồn tại.

 4 tỉ năm trước, các khối xây dựng sự sống có thể đã xuất hiện
 4 tỉ năm trước, các khối xây dựng sự sống hoàn toàn có thể được đúc kết ngay trong các đám mây bụi vũ trụ.

Axit amin (amino acids) là các hợp chất hữu cơ tạo nên peptit. Và nghiên cứu mới đã chứng minh một tiền chất hóa học thuộc nhóm này là amino ketene - có thể tạo thành axit amin glycine - có thể được tạo ra trong điều kiện vũ trụ, không cần có nước.

Theo Science Alert, các nhà khoa học đã sử dụng một buồng siêu chân không kèm một số chất nền để mô phỏng điều kiện trong các đám mây bụi vũ trụ, với điều kiện áp suất khoảng 1/4 áp suất không khí bình thường và nhiệt độ âm 263 độ C. Họ đã chứng minh được amino ketene có thể được hình thành trực tiếp trong môi trường kỳ lạ này.

Như vậy, 4 tỉ năm trước, các khối xây dựng sự sống hoàn toàn có thể được đúc kết ngay trong các đám mây bụi vũ trụ trước khi tìm đường đến Trái đất, chứ không nhất thiết bản thân những vật chất ban đầu làm nên Trái đất đã có mầm sự sống. Điều này lý giải cho việc dù các hành tinh trong Hệ Mặt trời san sẻ nhau về mặt vật liệu nhưng cho đến nay chỉ duy nhất hành tinh chúng ta là chắc chắn có sự sống.

"Con đường cung cấp các chất tạo màng sinh học được hình thành bởi quá trình hóa học này tới các hành tinh đá thuộc "vùng sự sống" của các hệ sao có thể là một yếu tố quan trọng trong nguồn gốc của sự sống" - nghiên cứu vừa đăng tải trên Nature Astronomy kết luận.

Cập nhật: 16/02/2022 Theo NLĐ
  • 484