Tiếng ồn là một tác nhân liên quan đến mọi người, già hay trẻ, đi ra đường hay ở nhà, hoặc đến nơi làm việc… Ô nhiểm tiếng ồn có hại cho sức khoẻ. Tiếng ồn còn có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng hiện tượng bạo lực trong giao tiếp.
Kiến thức phổ thông về tiếng ồn không phải là kiến thức khoa học đơn thuần mà còn là vấn đề có tính thời sự trong đời sống công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tình trạng ô nhiễm gia tăng; trong đó có ô nhiễm tiếng ồn chưa được mọi người quan tâm đúng mức.
Décibel là đơn vị đo tiếng ồn. Xin không đi sâu vào khái niệm này mà chỉ xin đưa ra những thí dụ minh họa để mọi người cùng hiểu một cách cụ thể :
- 10-20 dB: Gió vi vu qua lá cây được xem là trạng thái yên tĩnh
- 30 dB: Thì thầm (trong phòng ngủ
- 40 dB: Tiếng nói chuyện bình thường
- 50 dB: Tiếng máy giặt, ồn ở siêu thị, có gây phiền nhưng còn chịu được
- 55 dB -80 dB: Động cơ xe hơi, xe máy, gây khó chịu, mệt mỏi
- 80 dB - 85 dB: Máy cắt cỏ, hút bụi, cắt gỗ, làm rất khó chịu
- 90 dB - 100 dB: phát ra ở Công trường xây dựng, ồn ở mức nguy hiểm
- 120dB - 140 dB: Máy bay lúc cất cánh, ồn quá lớn gây tổn thương tâm trí
Những thí dụ trên, bên cạnh các số dB chỉ là những thí dụ phỏng chừng, xấp xỉ.
Càng ở xa nguồn tiếng động thì độ ồn giảm đi và giảm rất nhanh. Giữa lòng đường, tiếng ồn của xe cộ có thể là 80dB nhưng trên lề đường nơi người đi bộ chỉ còn khảng 60dB chẳng hạn.
Không có máy đo thì có thể phỏng chừng dựa trên khả năng phân biệt của tai người: tiếng động inh ỏi là cỡ 80 dB, nhức tai là khoảng 90dB. Trên nữa thì ta không chịu nổi và phản ứng tự bảo vệ tức thì là đưa tay bịt tai lại. Sống và làm việc nơi ồn lâu dần cũng “quen”, ta hết hay bớt thấy khó chịu nhưng hậu quả của tiếng ồn vẫn “âm thầm ghi” vào cơ thể ta.
Đi dạo cuối tuần ở đồng quê, nghỉ hè ở vùng đồi núi, hay ở biển, giữa tiếng thông reo trên ngàn hay tiếng sóng vỗ bì bọp, cho ta những cảm giác dễ chịu, thư giãn: một trong những giải thích của cảm giác dễ chịu này là vì não ta không bị tiếng ồn “tấn công”.
Một cách ngắn gọn, ô nhiểm tiếng ồn có hại về sinh lý, tâm lý và có tầm ảnh hưởng xã hội.
Về sinh lý, trên một mức nào đó, tiếng ồn gây thương tích tai, làm điếc. Trong môi trường ồn, ta dễ bị bệnh về giấc ngủ (không ngủ được, cấu trúc của giấc ngủ bị rối loạn).
Sống trong tiếng ồn, ta có thể bị đau đầu, lâu dần thành bệnh kinh niên, mất khả năng làm việc, hay là ít nhất là mất giá trị sống. Nguy hại hơn nữa là những bệnh về tim mạch và huyết áp.
Về tâm lý, môi trường ồn có thể gây cho ta stress, căng thẳng thần kinh, dễ cáu, nóng nảy, hung hăng,dễ bị kích động,...
Về xã hội, ở trong tiếng ồn ta hay phán đoán người khác, nghi ngờ và lo sợ trước người khác, khó tiếp xúc với người khác,...
Đó là những kết quả đã được các nghiên cứu nghiêm chỉnh đưa ra. Dĩ nhiên các kết luận này phải được vận dụng có chừng mực, dè dặt . Hậu quả của tiếng ồn còn tùy thuộc thời gian chịu ồn và phản ứng hay khả năng “thích ứng” độ ồn của từng cá nhân.
- Dưới 80 dB, không cần thiết bị chống ồn. Ta có thể chịu đựng được. Nhưng trên 80 dB thì phải bắt đầu thận trọng chú ý đến mức nguy hiểm
- Ở mức 90 dB, không mang bảo vệ, mỗi ngày sức ta chỉ chịu tối đa một giờ, nhiều hơn thì sẽ có thương tổn về tai (điếc chẳng hạn)
- Nếu phải chịu 100dB thì mỗi ngày chỉ tối đa 15 phút, công nhân xây dựng phải mang thiết bị bảo vệ ở tai là thế.
- Ở mức trên 105 dB thì mỗi ngày con người chỉ có thể chịu tối đa 5 phút, thương tổn sau đó (chẳng những về tai mà còn có thể thương tổn về não).
Các thương tổn thay đổi tùy theo độ ồn, khoảng cách giữa ta với nguồn ồn và thời gian chịu ồn. Nhiều thương tổn - về tai chẳng hạn - là những thương tổn vĩnh viễn, không tái tạo lại được. Chính vì vậy mà ta phải phòng ngừa chứ không đợi đến tổn thương.
Các cơ quan có chức năng quản lý xã hội cần đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố (không cho lạm dụng còi xe; không cho các loại xe cũ nát, động cơ kêu to và xả nhiều khói được lưu hành); không cho dùng các loa phát thanh công suất lớn để thông tin trên đường phố; hạn chế những tiếng ồn phát ra từ các nhà hàng, vũ trường… nhất là về ban đêm…
Về phòng ngừa cho từng cá nhân, có thể đội mũ chống ồn khi làm việc ở các công trình xây dựng, ở sân bay hay khi đốn cây trong rừng.
Ở mỗi gia đình, không nên vặn TV to, không nghe nhạc mở to suốt ngày, điều chỉnh chuông điện thoại, tránh nơi ồn (vũ trường, karaoké, festival nhạc, hội chợ).
Đóng cửa nhà, thiết bị chống ồn cho nhà cửa ở các thành phố (tường và cửa kính cách ồn cũng như tường và cửa kính cách nhiệt chẳng hạn).
Đối với trường học, sân chơi ở trường rộng chừng nào tốt chừng ấy và không có lợp nóc – nếu không, cứ như đàn ong vỡ tổ, các em hò hét trong sân, biến nơi này thành một môi trường ô nhiểm bởi tiếng ồn và rốt cục, sau giờ chơi, các em mệt đuối, khả năng chú ý sẽ kém đi mà không hay!
Người ta có luật quy định chung và thành văn hóa sống của dân tình : ở thành phố và nhất là trong những chung cư, không được làm ồn sau 10 giờ đêm.
Xe cộ phải có thiết bị giảm ồn, tàu bay cũng thế và còn bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Chung quanh các sân bay, không có nhà ở trong giới hạn còn ồn trên 55 dB (ở Bỉ, giới hạn này khắt khe hơn: chỉ có nhà ở khi tiếng ồn còn dưới 45dB).
Cha mẹ học sinh có quyền buộc các trường phải tìm giải pháp khi tiếng ồn trong sân trường lên quá 50dB - 60 dB.
Bản thân nền kinh tế thị trường hình thành những luật cung cầu liên quan đến tiếng ồn: nhà ở trên các trục giao thông khó bán và giá rẻ hơn nhà ở các khu yên tĩnh chẳng hạn (mặc dù ở trên các trục giao thông thì tiện lợi hơn cho di chuyển !).