Khuôn mặt thô và xấu của "công dân robot" Sophia là có chủ đích! Lý do là...

  •  
  • 5.136

Diện mạo của robot Sophia được mô phỏng theo Audrey Hepburn - một biểu tượng điện ảnh của thập niên 90. Nhưng nhiều người vẫn thấy xấu, và đây là lý do.

Sophia - cô robot đầu tiên được trao quyền công dân trên thế giới đã là chủ đề gây tranh cãi ở phạm vi... toàn cầu. Những dấu hỏi lớn được đặt ra, về quyền lợi được ưu tiên quá mức của cô, hay về hiểm họa các AI (trí tuệ nhân tạo) nổi loạn xâm chiếm Trái đất... tất cả đều cần lời giải đáp từ những chuyên gia hàng đầu.

Nhưng bên cạnh đó, một số người còn cực kỳ băn khoăn về... khả năng thẩm mỹ của các chuyên gia từ Hanson Robotics - cha đẻ của Sophia. Nếu như so sánh với Jia Jia của Trung Quốc, hay các robot nữ xinh xắn của Nhật Bản, có thể thấy Sophia thua kém rất nhiều về nhan sắc.

Jia Jia và Sophia có nhan sắc khá chênh lệch.
Jia Jia và Sophia có nhan sắc khá chênh lệch.

Một số ý kiến phỏng đoán rằng công ty có thể đã... tiếc tiền đầu tư vào ngoại hình của Sophia, hoặc gặp một số hạn chế về công nghệ. Nhưng lý do thực sự chắc chắn phải thuyết phục hơn như thế.

Thẩm mỹ là quan niệm riêng của mỗi người

Theo như lời chú thích trên trang chủ của Hanson Robotics, Sophia được tạo hình theo khuôn mẫu của Audrey Hepburn - một biểu tượng điện ảnh của thập niên 90.

Sophia vốn được lấy theo ngoại hình của Audrey Hepburn.
Sophia vốn được lấy theo ngoại hình của Audrey Hepburn.

Điều này có nghĩa, cô sở hữu một vẻ đẹp cổ điển: da trắng hồng, mũi thon, cao, nụ cười thu hút, và ánh mắt to, tròn, ấn tượng... Tất nhiên, khả năng biểu cảm của Sophia dù rất ấn tượng, nhưng vẫn còn thô cứng, và đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy cô không được đẹp.

Nhưng bạn thấy Sophia xấu hay đẹp cũng không quan trọng, vì đó là cảm nhận cá nhân của bạn mà thôi. Bằng chứng là một số bình luận trên mạng xã hội vẫn cho rằng cô đẹp, thậm chí là đẹp hơn "tuyệt sắc giai... robot" Jia Jia của Trung Quốc nữa kia.

Có thể Hanson Robotics đã cố tình khiến Sophia xấu đi

Dù rất ấn tượng với Sophia, nhưng bạn cần để ý rằng Sophia xuất hiện trước công chúng trong một diện mạo có phần... không bình thường. Cô không có chân, tay được làm khá thô cứng, và đặc biệt là... không có tóc. Chúng ta còn thấy phần đầu được làm từ vật liệu trong suốt, quan sát được toàn bộ linh kiện bên trong nữa.

Sophia đội tóc vào là một câu chuyện khác hẳn.
Sophia đội tóc vào là một câu chuyện khác hẳn.

Một robot như vậy hiển nhiên không thể được coi là đẹp. Có điều, Hanson Robotics thừa khả năng để lắp cho cô một đôi chân, đội cho cô một bộ tóc, hay tô điểm chút gì đó để cô trở nên giống người hơn.

Vấn đề là họ không làm, và có thể đây là hành động có chủ ý, đến từ hiện tượng có tên: uncanny valley - thung lũng kỳ lạ.

Hiệu ứng này được hiểu rất đơn giản như sau, khi một cái gì đó không phải con người, nhưng có một số nét giống người, nó sẽ trở nên rất hấp dẫn. Có điều nếu như nó trở nên quá giống người (nhưng bản chất không phải người), chúng ta sẽ thấy rất ghê sợ.

Thung lũng kỳ lạ: Khi một robot quá giống người, nó sẽ trở thành cơn ác mộng.
Thung lũng kỳ lạ: Khi một robot quá giống người, nó sẽ trở thành cơn ác mộng.

Nguyên nhân tạo ra "thung lũng" này hiện vẫn chưa được làm rõ. Chỉ biết rằng, nó nhiều khả năng xuất hiện tại ranh giới trạng thái Không-Phải-Con-Người chuyển sang Con Người.

Vậy phải chăng để giúp robot của mình không đáng sợ và được công chúng chấp nhận, ông David Hanson (kỹ sư cha đẻ của Sophia) đã khiến cho nó... bớt đẹp hơn? Bằng cách giữ lại nhiều đặc điểm của một người máy, hiệu ứng "thung lũng kỳ lạ" sẽ không xảy ra nữa.

Lời giải thích này xem ra hoàn toàn có cơ sở, dù công dụng của nó có phần hơi phản tác dụng, khi nhiều người cho rằng Sophia khiến họ có cảm giác rờn rợn.

Cập nhật: 31/10/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 5.136