Kiếm Khopesh – Vũ khí của cấm vệ Pharaoh

  •   4,52
  • 5.977

Thanh kiếm Khopesh và quyền lực tối cao của quân đội Ai Cập trong thời kỳ Đồ đồng.

Trong nhiều thế kỷ qua, phương Tây coi Ai Cập như vùng đất bí ẩn chứa đầy trí tuệ cổ xưa, bí mật ẩn giấu và những đế chế bị lãng quên.

Kỹ thuật quân sự Ai Cập cũng là điều bí ẩn. Khopesh là thanh kiếm cong thường được sử dụng ở Ai Cập trong thời kỳ Đồ đồng, đại diện cho kiểu kiếm cổ nhất được sử dụng ở Bắc Phi và Cận Đông. Nhờ thanh kiếm này, người Ai Cập đã thành lập một đế chế cổ đại.

Trong thời kỳ Đồ đồng, Ai Cập là một cường quốc thống trị thế giới. Có thể đế quốc Ai Cập bảo vệ trọn vẹn chủ quyền là nhờ quân đội tiên tiến với vũ khí hiệu quả như kiếm Khopesh. Chỉ mình kiếm Khopesh thì không đủ, nhưng nó là thứ vũ khí đắc lực trong chiến đấu.

Hình thù trên phiến đá vôi mô tả Ramesses IV đánh bại kẻ thù trong triều đại thứ 20.
Hình thù trên phiến đá vôi mô tả Ramesses IV đánh bại kẻ thù trong triều đại thứ 20.

Từ “khopesh” còn được dùng để chỉ “chân” trong “chân bò” như một cách gọi đa nghĩa vừa chế giễu vừa gọi yêu vì hình dáng của thanh kiếm này.

Mô tả kiếm Khopesh

Khopesh là một thanh kiếm lưỡi cong, gờ lưỡi cắt cũng là gờ cong ra. Thanh kiếm Khopesh hình dạng lưỡi liềm, phần lưỡi dao nối với tay cầm có cái móc. Do đó, một số học giả xếp loại Khopesh là thanh kiếm lưỡi liềm, được tìm thấy trên khắp thung lũng sông Nile, phía đông châu Phi, Trung Đông và tiểu lục địa Ấn Độ.

Khopesh thường được mài sắc ở phần ngoài lưỡi kiếm, nơi mà sẽ tiếp giáp đầu tiên vào kẻ địch. Bên cạnh đó, phần sống kiếm được làm cong có tác dụng như một câu liêm dùng để kéo giật địch thủ, khiến chúng mất thế thủ hay giật ngã khỏi xe ngựa, gạt chân ngựa nếu vào đúng tầm. Thanh Khopesh cũng thường khá nặng, một phần là kỹ thuật kim khí thời đó còn tương đối thấp, nguyên liệu chính là đồng, một số mẫu Khopesh sau này là một hợp kim giữa thiếc và đồng để cho kiếm trở nên nhẹ hơn.

Chỉ những lực lượng tinh nhuệ nhất, là tâm phúc của Pharaoh mới có kiếm Khopesh.
Chỉ những lực lượng tinh nhuệ nhất, là tâm phúc của Pharaoh mới có kiếm Khopesh.

Nguồn gốc và lịch sử sơ khai của thanh kiếm Khopesh

Thanh kiếm Khopesh có liên quan chặt chẽ đến Ai Cập, dù nguồn gốc của nó không phải ở đây. Nó được phát minh ra ở Lưỡng Hà (Mesopotamia) vào đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước CN.

Hơn nữa, bia đá có niên đại 2.500 năm trước CN, mô tả một vị vua Sumer dùng thanh kiếm hình liềm. Cho nên, vũ khí này có thể là tiền thân của thanh kiếm Khopesh.

Sau khi có mặt ở Mesopotamia, thanh kiếm Khopesh đã đến Syria và thành phố Canaanite. Nó từ Mesopotamia du nhập đến Ai Cập vào khoảng năm 1550 trước CN, trong thời kỳ Vương quốc mới.

Thanh kiếm Khopesh thời Ai Cập cổ đại.
Thanh kiếm Khopesh thời Ai Cập cổ đại.

Vũ khí kim loại đầu tiên là rìu đồng. Trước thời đại đồ đồng, chỉ có rìu vì đồng không đủ mạnh để chịu được quá trình luyện kim để chế tạo kiếm. Sau đó, đồng được sử dụng phổ biến hơn. Tuy nhiên, kim loại cứng hơn cho phép chịu lực tác động mạnh hơn. Người ta đã rèn được lưỡi kiếm đủ dài để trở thành thanh kiếm. Cho nên, những thanh kiếm như Khopesh đã ra đời.

Sử dụng thanh kiếm Khopesh

Rèn Khopesh rất phức tạp so với công nghệ thời đó, cho nên chỉ những lực lượng tinh nhuệ nhất, là tâm phúc của Pharaoh mới được tập trung trang bị. Tuy vậy, sức hủy diệt của Khopesh lại cực kỳ khủng khiếp.

Lưỡi cong của nó có thể tạo ra những vết chém có độ rách rất rộng khiến cho đối phương nhanh chóng mất máu đến chết (trong chiến đấu sa mạc, mất máu còn đáng sợ hơn cả nhiễm trùng hay mưng mủ, vốn ít phổ biến tại khí hậu khô nóng); đây chính là vì người Ai Cập đã nhận biết quỹ đạo của một cú chém không phải là một đường thẳng mà là một parabol, dẫn đến một lưỡi kiếm tạo nên quỹ đạo chém hình parabol sẽ mang hiệu quả sát thương cao nhất.

Trong giao chiến, lưỡi cong của kiếm còn giúp cho chiến binh dễ dàng ứng phó với kẻ địch từ nhiều phía hơn so với kiếm thẳng (tưởng tượng, chỉ cần vung bừa Khopesh vòng vòng là đám bao vây cũng đã kinh hồn bạt vía chứ đừng nói lao tới đâm bừa), và nó cũng dùng để phá trận khiên của địch cực kỳ hiệu quả so với rìu chiến thời đó (đâm thủng khiên, xoay ngang lưỡi kiếm, giật; ba thao tác này khớp là vừa giật văng khiên vừa làm bị thương kẻ địch dễ dàng bằng cách xắt vào tay, vào hông).

Lưỡi cong của kiếm còn giúp cho chiến binh dễ dàng ứng phó với kẻ địch từ nhiều phía hơn.
Lưỡi cong của kiếm còn giúp cho chiến binh dễ dàng ứng phó với kẻ địch từ nhiều phía hơn.

Khopesh cũng rất khó tập luyện thành thục, nếu không khéo thì chính người tập cũng sẽ bị thương với thanh kiếm ương ngạnh này (lưỡi cong và nặng). Nhiều cấm vệ quân lão luyện có những vết thẹo không qua giao chiến, nhưng họ vẫn có thể tự hào vì đó là quá trình họ thành thạo dùng kiếm Khopesh.

Một Cấm vệ của Pharaoh với thanh Khopesh trên tay có thể chấp hàng chục tên lính ất ơ khác với trang bị chính là giáo, khiên và rìu. Chính vì những đặc tính kể trên, Khopesh vừa là vũ khí mang tính quyền uy, biểu thị ân điển đặc biệt khi được phụng sự cho Pharaoh. Tướng lĩnh hay đại thần được ban cho Khopesh chính là một món quà rất ý nghĩa vì họ biết chỉ có một người mới có tư cách để ban nó cho họ: Pharaoh.

Kiếm Khopesh rất khó tập luyện thành thục.
Kiếm Khopesh rất khó tập luyện thành thục.

Khopesh bị đào thải dần do nhiều điều kiện khách quan, nhưng hậu duệ của nó cũng đã có được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ ông tổ này. Các loại kiếm lưỡi cong của Ả Rập, Scimitar và Damascus cũng ít nhiều thừa hưởng tinh thần của Khopesh và bao phen nữa khiến kẻ thù khiếp đảm.

Ảnh hưởng của thanh kiếm Khopesh đối với các nền văn hóa khác

Từ khoảng thế kỷ thứ 6 trước CN, người Hy Lạp bắt đầu sử dụng vũ khí có lưỡi gọi là machaira hoặc kopis. Một số học giả cho rằng tên kopis có thể bắt nguồn từ chữ khopesh của Ai Cập.

Ngoài ra, người Hittites - đối thủ đáng gờm của người Ai Cập trong Thời kỳ Đồ đồng cũng sử dụng thanh kiếm hình dáng giống như Khopesh. Tuy nhiên, không rõ họ đã sao chép thiết kế của Ai Cập hay thừa hưởng thiết kế Khopesh trực tiếp từ Mesopotamia.

Những thanh kiếm cong tương tự như Khopesh cũng được tìm thấy ở phía đông và trung châu Phi. Các nền văn hóa khác đã sử dụng dao găm giống như lưỡi kiếm cong Khopesh. Không rõ truyền thống chế tạo lưỡi kiếm cong được thừa hưởng từ Ai Cập hay thiết kế dao găm được phát triển riêng ở phía nam Mesopotamia.

Một thanh kiếm hoặc dao găm giống như Khopesh cũng được thấy trong các nền văn hóa Dravidia ở miền nam Ấn Độ, các vùng ở Nepal không thuộc Dravidic ở phía bắc.

Những thanh kiếm giống Khopesh còn hiện diện trong các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Dravidia và Mesopotamia. Thung lũng Indus, hay nền văn minh Harappan, có quan hệ thông thương với Mesopotamia vào đầu năm 3000 trước CN có lẽ chịu ảnh hưởng của Dravidian theo sắc tộc.

Nền văn minh Thung lũng Indus tiền Aryan tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác đến giữa thiên niên kỷ thứ 2 trước CN. Đây là thời đại thích hợp để lưu truyền những lưỡi kiếm giống như Khopesh từ nền văn minh Mesopotamia đến Dravidia.

Cập nhật: 02/01/2019 Theo vothuat/genk
  • 4,52
  • 5.977