Bạn muốn biết liệu mạng lưới bạn bè của mình sẽ tồn tại lâu dài hay tan vỡ? Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mấu chốt cho sự bền vững của các mối quan hệ.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Mỹ và Hungary đã tìm hiểu sự tương tác trong một cộng đồng online và các cuộc giao tiếp qua điện thoại di động. Cuối cùng họ đã tìm ra một thuật toán để giải thích cho tất cả.
Giáo sư Tamas Vicsek tại Đại học Eotvos Lorand ở Budapest và cộng sự đã lần tìm qua 2 bộ dữ liệu để khám phá mọi người đã liên kết như thế nào. Một trong số đó là mạng lưới của hơn 30.000 nhà nghiên cứu kết nối với một cơ sở dữ liệu của Đại học Cornell, New York, Mỹ. Bộ dữ liệu khác là hồ sơ ghi lại các cuộc nói chuyện của 4 triệu người sử dụng điện thoại di động trong vòng 1 năm.
Khi tổng hợp lại với nhau, những con số này đưa ra một bức tranh mới lạ về sự chuyển động của các mối quan hệ. Nhóm đã tìm thấy các nhóm nhỏ chỉ duy trì khi trong đó có một nhóm các thành viên chủ chốt không thay đổi.
Còn ở các nhóm lớn, điều ngược lại xảy ra. Một cộng đồng lớn sẽ tan rã nhanh chóng nếu nó bất di bất dịch, nhưng sẽ tồn tại lâu dài nếu nó mở cửa cho những thành viên mới. Qua thời gian, gần như mọi thành viên đều thay đổi. Một ví dụ cho sự liên minh lỏng lẻo mà thành công này chính là trường học hay công ty.
Trong vài năm, hầu hết thành viên hay nhân viên đều thay đổi, nhưng tổ chức đó vẫn luôn được biết đến như một thực thể riêng biệt vào bất cứ lúc nào trong suốt quá trình tồn tại.
Các nhà nghiên cứu cũng phát triển ra một công thức dựa trên sự giao tiếp của các thành viên trong nhóm để phỏng đoán liệu một cá nhân sẽ ở lại hay rời nhóm. Những ai bày tỏ mối quan tâm rõ rệt với một nhóm khác thì sẽ rất dễ bỏ nhóm, còn thành viên nào càng liên lạc nhiều với nhóm hiện tại thì sẽ có khả năng trung thành cao hơn.
M.T.