Kiến trúc độc đáo của cung điện nửa chìm nửa nổi trên mặt hồ

  •  
  • 1.898

Cung điện đá cẩm thạch Jal Mahal gần như chìm hẳn dưới mặt nước hồ ở Jaipur, Ấn Độ, chỉ để lộ phần nóc và tầng trên cùng, tạo thành một kỳ quan hiếm gặp.

Jal Mahal, cung điện bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp còn có tên là "Cung điện nước" nhô trên mặt nước hồ nhân tạo ở thành phố Jaipur thuộc bang Rajasthan, theo Amusing Planet.

Cung điện Jal Mahal ở giữa lòng hồ.
Cung điện Jal Mahal ở giữa lòng hồ. (Ảnh: Flickr).

Cung điện được xây vào thế kỷ 18 bởi Maharaja Madho Singh, người cai trị Jaipur để phục vụ những bữa tiệc săn vịt. Sau khi người con trai kế vị ông qua đời, cung điện bị bỏ hoang suốt hai thế kỷ cho đến khi được tu bổ vào những năm 2000.

Jal Mahal là một công trình 5 tầng gây nhiều tò mò vì kiến trúc độc đáo với một tầng trên cùng nổi trên mặt hồ, còn 4 tầng dưới gần như ngập hẳn khi hồ đầy nước.

Kiến trúc của Jal Mahal pha trộn giữa phong cách Hindu, Hồi giáo và Ba Tư. Những hành lang và hội trường được trang trí bằng nhiều bức tranh đẹp. Trên sân thượng của cung điện là một khu vườn treo hình chữ nhật tên Chhatri với lối đi có mái che. Ở mỗi góc lâu đời đều đặt tháp hình bán bát giác với mái vòm thanh lịch.

Hồ nhân tạo Man Sagar bao quanh cung điện ra đời vào năm 1610 dưới thời cai trị của Raja Man Singh nhằm đối phó với nạn đói và thiếu nước nghiêm trọng ở bang vào cuối thế kỷ 17. Trong nhiều thập kỷ, hồ trữ nước này cung cấp nước uống và tưới tiêu cho cư dân trong vùng. Đây cũng là ngôi nhà của nhiều loài chim.

Đến thế kỷ 20, hồ Man Sagar trở thành nơi xả nước thải chưa qua xử lý và các chất thải công nghiệp khác. Năm 2004, một công ty tư nhân nhận trách nhiệm nạo vét lòng hồ và tôn tạo cung điện, giúp cải thiện chất lượng nước và thu hút đàn chim trở về.

Cập nhật: 10/10/2016 Theo VnExpress
  • 1.898