"Knorr đảm đang": lập lờ gây thiệt cho người tiêu dùng

  •  
  • 3.937

Sản phẩm bột nêm “Knorr đảm đang” của công ty Unilever Bestfoods & Elida P/S Việt Nam được quảng cáo là một sản phẩm thay thế bột ngọt, thậm chí trên nhãn còn ghi: tự nhiên hơn bột ngọt. Tuy nhiên một kết quả xét nghiệm lại cho thấy "Knorr đảm đang" chứa đến 30% bột ngọt!

Bột ngọt và chất điều vị 621: tuy hai mà một!  

Phần có sai phạm về ghi nhãn hàng hóa trên bao bì 

Trên phiếu kết quả thử nghiệm ghi ngày 26.9.2005 của Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 về Knorr đảm đang (lấy mẫu ngày 23.9.2005), kết quả như sau:

-Hàm lượng đường tổng qui ra saccarose tính theo khối lượng là 12,8%.

Hàm lượng muối ăn tính theo khối lượng là 53,8%

-Hàm lượng đạm tính theo khối lượng 13,7%.

-Hàm lượng monosodium glutamat (bột ngọt) tính theo khối lượng là 30%.

Như vậy là hai năm rõ mười, bột nêm "Knorr đảm đang" có chứa bột ngọt nhưng trên nhãn sản phẩm này có in “tự nhiên hơn bột ngọt” và “dùng Knorr đảm đang thay thế bột ngọt/mì chính khi nấu ăn để món ăn luôn đủ vị, hài hòa và tự nhiên”. Những thông tin này trên nhãn sản phẩm đã khiến người tiêu dùng cho rằng đây là sản phẩm mới, không chứa bột ngọt.

Một lập lờ nữa là chất điều vị 621 ghi trong thành phần của “Knorr đảm đang”. Theo qui định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thì 621 là Monosodium Glutamat, và đây là tên gọi bằng tiếng Anh của bột ngọt! Như vậy, “Knorr đảm đang” không minh bạch với người tiêu dùng.

Xét về công bố chất lượng thì “Knorr đảm đang” không sai phạm vì có ghi bột ngọt trong thành phần, nhưng không ghi rõ là bột ngọt.

Phần thiệt nghiêng về người tiêu dùng

Sau khi phân tích thành phần của Knorr đảm đang mới thấy người tiêu dùng đang bị những từ ngữ gây lầm lẫn – một kiểu “lập lờ đánh lận con đen”. Chúng tôi đã thực hiện phỏng vấn các bà nội trợ thừơng dùng bột nêm thì câu trả lời chung là: “Dùng Knorr vì là sản phẩm cao cấp hơn bột ngọt” . Thế mà nó lại chứa bột ngọt với số lượng không nhỏ!

Thiệt hại thứ nhì là thành phần của bột nêm Knorr lẽ ra phải ghi là bột canh gia vị, vì sản phẩm này có đến trên phân nửa là muối, đường và bột ngọt  (theo tiêu chuẩn VN về bột canh gia vị trong phần thuật ngữ và định nghĩa) nhưng không ghi rõ ràng và bán với giá cao hơn bột canh gia vị nhiều lần. Đại diện Thanh tra Bộ Y tế cho biết: “Bản thân sản phẩm có chứa bột ngọt nhưng lại ghi bằng mã số thì người dân bình thường làm sao biết được. Trường hợp những người bị dị ứng với bột ngọt, cứ nghĩ sản phẩm này không có bột ngọt, mua về dùng và ảnh hưởng đến sức khỏe thì sao?”.

Cơ quan quản lý: nơi cấm lưu hành, nơi hoãn!

Thanh tra Bộ Y tế đã có công văn số 757/TTra- CV2 ngày 13.10.2005 yêu cầu đình chỉ lưu hành sản phẩm Knorr đảm đang vì có nhãn không đúng qui định. Theo Thanh tra thì trên nhãn sản phẩm này có in “tự nhiên hơn bột ngọt” và “dùng Knorr đảm đang thay thế bột ngọt/mì chính khi nấu ăn để món ăn luôn đủ vị, hài hòa và tự nhiên” trong khi đó sản phẩm này có chứa một lượng đáng kể là bột ngọt.

Ngày 14.10.2005, Cục quản lý thị trường có công văn số 395 QLTT –PCKT gửi Chi cục quản lý thị trường các tỉnh và thành phố ngừng buôn bán mặt hàng này để thu hồi và khắc phục sai phạm, sau ngày 24.10.2005 sẽ tổ chức và xử lý đúng pháp luật những trường hợp còn kinh doanh”.

Tuy nhiên, ngày 21.10.2005, Bộ Thương mại đã có văn bản (do Thứ trưởng Phan Thế Ruệ ký) về việc xử lý vi phạm nhãn hàng hóa “Knorr đảm đang” với nội dung: “những vi phạm về nhãn hàng hóa nói trên chủ yếu là không ghi nhãn hàng hóa như đăng ký ban đầu, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng” và nêu ý kiến tạm hoãn thi hành công văn 395/ QLTT –PCKT (!). Thời hạn công văn này sẽ do Cục trưởng Cục quản lý thị trường công bố sau khi làm việc thêm với phía công ty Unilever Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước.

Về phía người tiêu dùng, việc học cách đọc nhãn hiệu hàng hóa để chọn cho đúng sản phẩm đang trở thành vô ích!

"Knorr đảm đang": bột canh gia vị giá cao!

Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 thì thành phần của “bột nêm Knorr đảm đang” bao gồm muối (53,8%), đường (12,8%), bột ngọt (30%), bột đạm (13,7%). Như vậy bột nêm này “đích thị” là bột canh gia vị theo định nghĩa Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7396: 2004). Thế nhưng nhà sản xuất không ghi là bột canh gia vị mà là “Knorr đảm đang – sản phẩm nêm nếm đa dụng”. Giá bột canh gia vị loại 200gr của các công ty Thiên Hương, A – One, Miwon, Hải Châu, Phú Cường sản xuất có giá bán lẻ từ 1.200 - 1.800đ/gói, còn bột nêm “Knorr đảm đang” loại 180gr giá 5.000đ/gói.

Ý kiến người tiêu dùng

Anh Hà Kỳ Nhu, nhà ở quận 4, TP.HCM: “Nhà tôi trước kia thường dùng bột ngọt để nêm nếm thức ăn. Cứ mỗi lần dùng bột ngọt thì tôi bị dị ứng lạnh ở sau gáy. Vì vậy, sau đó tôi không ăn bột ngọt. Khi nghe giới thiệu “Knorr đảm đang” có thể thay thế bột ngọt, tôi liền mua về ăn, thế nhưng sau khi ăn xong tôi lại bị lạnh ở gáy. Tôi nghĩ có lẽ sản phẩm này có bột ngọt. Hôm nay, khi đọc thông tin về vụ Knorr trên Sai Gòn Tiếp Thị online, tôi mới biết cảm giác của mình không sai".

Chị Hoàng Huệ, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM là người thường xuyên dùng sản phẩm Knorr, nhận xét: “Tôi không thích dùng bột ngọt, nên khi nghe Knorr quảng cáo “có thể thay thế bột ngọt” và “hài hòa đủ vị”, tôi đã mua về cho cả nhà sử dụng. Có thể nói gia đình tôi rất tin tưởng và sử dụng trong tất cả các món ăn. Khi biết được thông tin Knorr có 30% là bột ngọt, tôi có cảm giác mình bị lừa và càng khó chịu hơn nữa khi nghĩ lại bấy lâu nay mình sử dụng bột ngọt với một liều lượng không kiểm soát". 

TỊNH AN
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
  • 3.937