Kỳ lạ nhân sâm tử thần: Muốn thử phải ký cam kết, người độc địa ăn vào không thể qua khỏi

  •   3,33
  • 2.315

Cách đây không lâu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã công bố "Danh sách các loài mới và kỷ lục mới ở Vân Nam" (1992 - 2020) để ghi nhận thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đa dạng sinh học.

Theo thống kê, từ năm 1992 đến năm 2020, tổng số 3.718 loài mới đã được phát hiện ở tỉnh Vân Nam, số lượng khám phá lớn nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều sinh vật chưa được biết đến ở vùng đất Vân Nam này. Thậm chí có loài cây vẫn đang được gắn với những truyền thuyết bí ẩn...

Nhân sâm tử thần - phân biệt thiện ác

Tại khu vực núi Long Hải ở Lục Lương, dân làng sẽ ăn một loại thực vật kỳ diệu được thu hái từ trên núi, mà người dân địa phương gọi là "nhân sâm tử thần" hay còn gọi là "tử sâm", "đoạt mệnh sâm".

Những người dân địa phương cho biết, đây là một loại cây có thể phân biệt thiện ác, mọc trong một khu rừng ở núi Long Hải. Điều khác lạ là đất ở đây có màu sắc sặc sỡ, không giống như những loại đất thông thường.

Người ta cho rằng loại nhân sâm này được hóa từ những viên đá nhiều màu sắc mà Nữ Oa đã bỏ lỡ để lấp đầy bầu trời. Chính nhờ thần lực của Nữ Oa mà nhân sâm tử thần có khả năng phân biệt thiện ác.

Nếu một người có tấm lòng thiện lương, khi ăn tử sâm sẽ cảm thấy khỏe khoắn đồng thời kéo dài tuổi thọ. Nhưng nếu kẻ đã làm điều xấu ăn phải nó, lập tức mặt mày tái mét, toàn thân tê dại, chỉ trong phút chốc sẽ chết.

Chính vì đặc tính vừa có tác dụng "làm thuốc" nhưng đồng thời cũng là "độc dược" nên người dân địa phương vừa sợ hãi vừa tò mò tìm hiểu. Đối với những khách tham quan tò mò, người dân địa phương sẽ không bao giờ chủ động mời họ ăn nhân sâm tử thần, nếu muốn ăn thì phải ký cam kết.

Theo trang Sohu đưa tin, người dân ở đây đã kể lại rằng có nhiều người đã ăn và quả thực có nạn nhân không may tử vong. Kể từ đó, câu chuyện về loại tử sâm này càng khiến người ta e dè.

Chuyên gia vào cuộc và cái kết

Sau khi câu chuyện về nhân sâm tử thần được lan truyền, chuyên mục "Địa lý Trung Quốc" của CCTV đã thành lập đội điều tra và tìm đến Lục Lương để lật tẩy bí ẩn. Nhóm điều tra đã tìm ra một người hái thuốc ở địa phương và theo người này vào rừng để hái tử sâm.

Người hái thuốc nói với nhóm điều tra rằng nhân sâm tử thần có tồn tại và rất độc. Khi còn nhỏ, anh ta đã nhìn thấy một con bò chết do ăn phải loại sâm này. Tuy nhiên, loài thực vật này không hề dễ kiếm, không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy.

Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy đất trong khu rừng được hình thành cách đây 2 triệu năm và nó có màu sắc sặc sỡ do quá trình oxy hóa kéo dài.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm tử sâm không hề suôn sẻ, không có tiến triển mà ngược lại, người ta lại tìm thấy nhiều loại thảo dược khác. Sau một thời gian, công việc điều tra đi vào bế tắc.

Khi tất cả mọi người dần mất kiên nhẫn thì có một tin tức truyền đến. Hóa ra một vài người dân ở ngôi làng miền núi ở huyện Lục Lương đã bị ngộ độc sau khi ăn phải cây dại. May mắn là họ đã kịp thời giữ được mạng sống.

Nhân sâm tử thần
Liệu những người dân làng này có ăn phải tử sâm hay không? Đội điều tra ngay lập tức đến ngôi làng tìm thấy thân rễ cây mà những người này đã ăn.

Sau khi đem thân rễ này về phòng thí nghiệm, người ta mới biết được thân phận thật của nó là thảo ô hay còn gọi là cỏ đen (tên khoa học: Aconitum carmichaelii). Loài cây này chứa độc tố aconitine. Nếu được nấu chín hoàn toàn, loài cây này có thể làm thức ăn nhưng nếu chế biến không kỹ sẽ bị ngộ độc.

Sau phát hiện này, cuộc điều tra của chuyên gia đã kết thúc. Lý do là bởi ngộ độc cỏ đen không phải là hiếm.

Tuy nhiên huyền thoại loài sâm tử thần có thực sự là cỏ đen hay không thì vẫn chưa thể giải đáp.

Mặc dù cỏ đen không phổ biến nhưng nó vẫn có thể tìm thấy ở nhiều nơi tại Vân Nam. Điều này mâu thuẫn với truyền thuyết về loài sâm quý hiếm. Hơn nữa, trong vụ ngộ độc cỏ đen này, tất cả những người dân làng ăn loại cỏ này đều bị ngộ độc. Điều này cũng không phù hợp với truyền thuyết rằng có người bị trúng độc và có người không sao.

Cuộc điều tra khép lại trong bế tắc, câu chuyện về tử sâm vẫn chưa có lời giải.

Cập nhật: 20/12/2021 Theo Tổ Quốc
  • 3,33
  • 2.315