Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh

  •   3,835
  • 62.744

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi.

Với quy trình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, lợn được vận động nhiều, thịt chắc khỏe, tỷ lệ nạc cao, có màu sắc đẹp, có mùi vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ vậy, đệm lót sau thời gian 2-3 năm còn có thể tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh
Ảnh minh họa: (Vũ Sinh/TTXVN)

Chăn nuôi lợn thịt sạch theo phương pháp này đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi nhờ thiết kế chuồng hở, mái cao, thoáng.

Ngoài ra, đệm lót lên men được sản xuất chủ yếu từ trấu, mùn cưa không độc tố, cát và chế phẩm sinh học, giúp phân hủy tốt chất thải tại chỗ, không gây mùi hôi thối cũng như ảnh hưởng xấu tới không khí, nguồn nước.

Thực phẩm lên men được trộn cùng bã bia cho lợn ăn, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp. Nhờ vậy, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho thức ăn chăn nuôi, lợn lại có thể tăng dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng thịt thương phẩm an toàn, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chuẩn bị đệm lót sinh học

Độ dày của đệm lót thay đổi theo mùa, mùa hè 40 - 60 cm, mùa đông 60 - 90 cm. Độ dày của đệm lót giảm dần do lợn dẫm lên trong quá trình di chuyển, nên khi làm mới thường tăng thêm khoảng 20%.

Chất độn làm đệm lót là một số loại mùn bột nhỏ như mùn cưa; trấu, vỏ hạt bông, lạc, thân cây bông, lõi ngô, thân cây ngô nghiền kết hợp với trấu. Để chuẩn bị cho chuồng lợn có diện tích 20 m2, độ dày của đệm lót khoảng 60 cm, phải chuẩn bị 200 lít dung dịch lên men, 5 kg bột ngũ cốc.

Dung dịch lên men trước 1 - 2 ngày, cho 1 kg men gốc, 10 kg bột ngũ cốc, thêm 200 lít nước sạch, khuấy đều, đậy kín, để chỗ ấm 24 giờ, mùa đông có khi kéo dài đến 48 giờ. Sau đó, lấy khoảng 2 lít dung dịch lên men đã được chuẩn bị trộn ẩm, đều sau đó để chỗ ấm. Sau 5 - 7 giờ, rải lớp trấu dày khoảng 30 cm, dùng vòi phun mưa, cào đều đến khi độ ẩm đạt khoảng 40%, tưới đều 100 lít dung dịch men. Tiếp tục dải 30 cm bột mùn, phun nước sạch đến khi đạt độ ẩm 20%, rải đều bột ngũ cốc lên bề mặt của lớp bột mùn. Tưới đều 100 lít dung dịch lên men còn lại lên bề mặt. Làm phẳng toàn bộ lớp mặt mùn cưa, phủ bạt kín. Sau vài ngày, dưới độ 30 cm lớp đệm lót có nhiệt độ khoảng 400C, có mùi thơm nhẹ của rượu, bỏ lớp bạt, cào nhẹ lớp bề mặt khoảng 20 cm, khoảng 1 ngày sau thì thả lợn vào.

Nuôi lợn sạch
Độ dày của đệm lót thay đổi theo mùa

Kỹ thuật ủ thức ăn bằng men vi sinh

Phương pháp lên men ướt

Thường sử dụng cám ngô và cám gạo lên men làm thức ăn cho lợn. Để lên men 100 kg cám ngô và cám gạo thực hiện như sau: Lấy 0,5 kg men, 4 kg cám ngô hòa vào trong thùng đựng 100 lít nước sạch, khuấy đều trong 1 giờ. Trộn đều cám ngô còn lại và cám gạo, từ từ cho đến hết, thấy nước hơi ngập mặt cám là được. Khi đổ cám vào thùng, không đổ đầy, để cám cách miệng thùng khoảng 15 - 20 cm, tránh sau khi lên men thức ăn bị đầy, nổi lên trên và tràn ra ngoài. Để hở miệng thùng sau 4 - 5 giờ thì đậy kín. Nhiệt độ trên 300C, thời gian lên men khoảng 24 giờ, nhiệt độ dưới 300C thời gian lên men khoảng 24 - 28 giờ, khi thức ăn chua nhẹ, thơm nhẹ là được. Vào mùa hè, thức ăn sau khi ủ men vi sinh chỉ nên cho lợn ăn trong khoảng 2 ngày. Trong quá trình sử dụng hạn chế mở nắp thùng, tránh hiện tượng thức ăn bị nhiễm nấm.

Phương pháp lên men khô ẩm

Đòi hỏi điều kiện lên men chặt chẽ hơn, chỉ sử dụng được các loại cám, bột để làm thức ăn lên men. Để lên men 100 kg cám ngô, gạo thực hiện như sau. Lấy 0,5 kg men vi sinh và 2 kg cám ngô hòa vào thùng chứa 40 - 45 lít nước, 10 - 15 phút khuấy đều 1 lần, trong 1 giờ. Trộn đều cám ngô và cám gạo, tưới đều nước men lên, trộn cho đến khi cám ẩm đều. Xúc vào thùng hoặc bao ni lon, không nén chặt, để hở miệng 5 - 6 giờ thì đậy kín miệng. Nhiệt độ trên 300C, thời gian lên men khoảng 24 - 36 giờ; nhiệt độ dưới 300C, thời gian lên men khoảng 36 - 48 giờ. Chú ý khi lên men không sử dụng bao nilon, thùng bị thủng, hạn chế mở miệng bao, nắp thùng, tránh thức ăn bị nấm mốc.

Phương pháp sử dụng thức ăn

Sử dụng thức ăn lên men vi sinh trộn thêm thức ăn công nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để lợn tăng trọng nhanh hơn. Chọn loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein trên 45%. Chỉ trộn thức ăn lên men với thức ăn công nghiệp trước khi cho ăn. Sau khi trộn có thể để nguyên dạng khô hoặc trộn thêm nước thành dạng lỏng để cho lợn ăn, tùy vào thói quen.

Thành phần phối trộn thức ăn ủ men với thức ăn công nghiệp thay đổi theo kiểu lên men, giống lợn và giai đoạn phát triển.

Lợn lai F1

Lợn trọng lượng dưới 15 kg: Phối trộn với tỷ lệ 1 phần thức công nghiệp với 4 - 5 phần thức ăn lên men ướt hoặc 4 - 5 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn với lượng 0,7 - 1,1 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 0,5 - 0,8 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 16 - 30 kg: Phối trộn tỷ lệ 1 phần thức ăn công nghiệp với 6 - 7 phần thức ăn lên men ướt hoặc 5 - 6 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn 1,2 - 1,7 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 0,8 - 1,2 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 31 - 60 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 7 - 8 phần thức ăn lên men ướt và 6 - 7 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn với lượng 1,7 - 3,4 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt và 1,7 - 2,3 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng trên 61 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 9 phần thức ăn lên men ướt hoặc 8 phần thức ăn lên men khô. Lượng thức ăn 3,4 - 4 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 2,3 - 3 kg/con/ngày với lượng thức ăn lên men khô.

Lợn siêu nạc

Lợn trọng lượng dưới 15 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 4 - 5 phần thức ăn lên men ướt hoặc 3 - 4 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 16 - 30 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 5 - 6 phần thức ăn lên men ướt hoặc 4 - 5 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 31 - 60 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 6 - 7 phần thức ăn lên men ướt hoặc 5 - 6 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng trên 61 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 8 phần thức ăn lên men ướt hoặc 7,5 phần thức ăn lên men khô.

Lượng thức ăn tương tự như lợn lai F1.

Cập nhật: 28/04/2016 Tổng hợp
  • 3,835
  • 62.744