Các nhà khoa học Israel phát hiện một loại enzyme có khả năng xóa hoặc củng cố ký ức, tạo tiền đề cho sự ra đời của thuốc thay đổi trí nhớ trong tương lai.
Ảnh minh họa: sentientdevelopments.com
Livescience đưa tin các chuyên gia của Viện Khoa học Weizmann tại Israel nhận thấy PKMzeta - tên của một enzyme - có thể tác động tới trí nhớ của động vật. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy dường như enzyme này củng cố trí nhớ con người, biến những trải nghiệm hàng ngày thành ký ức lâu dài.
Enzyme là những chất xúc tác sinh học có thành phần chủ yếu là protein. Mọi quá trình trong tế bào đều cần enzyme. Hầu hết phản ứng được xúc tác bởi enzyme có tốc độ cao hơn nhiều so với khi chúng không được xúc tác.
PKMzeta có hai phiên bản, trong đó một phiên bản gốc và một phiên bản đột biến. Phiên bản đột biến của enzyme ra đời nếu cơ thể chuột bị một loại virus vô hại xâm nhập.
Yadin Dudai và Todd Sacktor, hai nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Weizmann, huấn luyện chuột để tạo ra nhiều thói quen ở chúng. Sau đó họ đưa virus vào cơ thể của một số con để tạo ra phiên bản đột biến của PKMzeta. Kết quả cho thấy nồng độ PKMzeta càng lớn thì ký ức của chuột càng phai nhạt. Chẳng hạn, chúng sợ những mùi mà trước kia chúng thích, không thực hiện những thói quen đã học.
Đối với những con chuột không nhiễm virus, nồng độ PKMzeta càng lớn thì trí nhớ của chúng càng tăng.
Trong tương lai, phiên bản PKMzeta gốc có thể được dùng để chế thuốc để tăng cường ký ức cho những người mắc bệnh mất trí nhớ hay rối loạn tâm thần sau sự kiện khủng khiếp. Các nhà khoa học cũng có thể biến phiên bản PMKzeta đột biến thành thuốc để điều trị cho những người mắc bệnh ám ảnh bởi những ký ức đau thương. Thuốc này giúp người bệnh bằng cách xóa những ký ức gây nên nỗi sợ hãi. Bằng cách thay đổi nồng độ của PKMzeta trong những vùng não khác nhau, các bác sĩ có thể xóa mọi ký ức trong tâm trí người.
"Nhiều loại phân tử có khả năng tăng cường trí nhớ, song rõ ràng PKMzeta mới là bậc thầy trong chức năng này", David Glanzman, một nhà khoa học của Đại học California tại Mỹ, phát biểu. Glanzman không tham gia nghiên cứu của Viện Khoa học Weizmann.