“Lá số tử vi” ADN sắp ra đời

  •  
  • 1.333

Nếu đúng như dự đoán, đến năm 2008, người ta sẽ biết một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra trong tương lai sẽ bị mắc bệnh gì, mức độ nguy hiểm ra sao; khả năng phát triển trí tuệ đến đâu, nghề nghiệp, sự thành công, thất bại sẽ gặp trong đời với độ chính xác cao.

Giải thưởng danh tiếng Nobel hoàn toàn không có chút gì gọi là ưu ái cho những đề tài nghiên cứu về chuỗi xoắn kép ADN. Vầng hào quang lớn đầu tiên được mở ra vào năm 1953 khi James D.Watson và Francis Crick (Mỹ) phát hiện chuỗi xoắn kép.

GS-TS Lê Đình Lương (Việt Nam) và GS Watson-cha đẻ của chuỗi xoắn kép ADN tại hội nghị ở Trung Quốc (Ảnh: TP)

Năm 1985, một nhà khoa học nghiên cứu về ADN rất amateur - Kary Mulis lại ẵm giải Nobel nhờ tìm ra công nghệ nhân ADN rất lý thú, giúp xác định huyết thống và hàng loạt các ứng dụng khác.

Năm 2006, TS Andrew và TS Craig C.Mello lại đoạt giải Nobel nhờ tìm ra cơ chế can thiệp RNA ngăn chặn sự hình thành các bệnh hiểm nghèo. Rõ ràng những gì bí ẩn về con người ngày càng được soi chiếu rõ hơn dưới ánh sáng khoa học.

Sự biểu hiện ra bên ngoài của gene mà các nhà khoa học đã khẳng định từ rất lâu là hiện thực. Gene mang bệnh thì cơ thể con người bị bệnh, khi gene bệnh được thay thế bằng gene khỏe mạnh hơn thì cơ thể được cấy ghép trưởng thành sẽ khỏe mạnh, “sạch bệnh”.

Từ nguyên lý này có thể nói sự ứng dụng của phân tích, giải mã ADN trong đời sống của con người là rất rộng lớn. Tuy nhiên, trong “Hội nghị quốc tế về hệ gene học” diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2006, những kỳ vọng về giải mã thông tin từ ADN nhiều hơn nữa để phục vụ nhu cầu của cuộc sống được đặt ra thời sự và nghiêm túc hơn.

Sự giải mã gene người là nhằm vào mục tiêu chỉ ra những thông tin mang tính khám phá sự bí ẩn của con người. Bộ gene người bao gồm khoảng 30.000 gene.

Các nhà khoa học đã tính toán rằng, để giải mã được bộ gene người (đã được công bố năm 2003), Chính phủ Mỹ đã cấp 3 tỷ USD. Nghĩa là để giải mã được một đơn vị gene (mã hóa bằng 1 chữ cái) thì chi phí hết 1 USD.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay phải giải mã gene thì chi phí 1 USD sẽ thu được 100 chữ cái, ở động vật và thực vật đều cho kết quả như nhau. Cách đây vài năm, nếu có tạo được một “lá số tử vi ADN” cho người, theo GS-TS Lê Đình Lương - Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam - một chuyên gia về công nghệ sinh học thì cần 3 tỷ chữ cái.

Như vậy chi phí sẽ là 3 tỷ USD. Còn bây giờ chi phí đó sẽ chỉ còn khoảng 30.000 USD. Nhưng đến lúc nào khoa học trình làng nhân loại “lá số tử vi ADN” với 30.000 gen như thế?

Một bất ngờ nhất đối với các nhà khoa học tham dự hội nghị quốc tế về gene học là đại diện một Cty của Trung Quốc đã tuyên bố, vào năm 2008 họ sẽ lập được “lá số tử vi ADN” của con người với chi phí chỉ 1.000 USD. Và nếu điều này trở thành hiện thực thì khoa học về khám phá con người đã tiến thêm một bước dài.


(Ảnh: TP)

Tử vi ADN mới là khoa học

Rất nhiều người trong đời đã từng xem bói, đoán định tương lai của mình. Gặp rủi ro, bệnh tật, không được đi nước ngoài vì không có năng khiếu học ngoại ngữ... người ta vẫn thường chép miệng mà rằng: Tại số!

Dù có thể có nhiều rủi ro, thành đạt nào đó con người ta gặp phải hiện được tiên tri trước bằng các quẻ của Kinh Dịch, song khoa học vẫn chưa thể giải thích được cặn kẽ đó chỉ là ngẫu nhiên, hay các quẻ có cơ sở nào đó.

Sự “xem bói” chỉ đúng với một số trường hợp và xác suất sai nhiều hơn đúng. Tại nhiều nước tiên tiến trong đó có một số nơi ở Mỹ, một đứa trẻ vừa ra đời ngay tại bệnh viện, bố mẹ của trẻ sẽ được tặng tận tay một lá số tử vi truyền thống.

Các chuỗi xoắn kép ADN

Các chuỗi xoắn kép ADN (Ảnh: TP)

Điều đó cho thấy, khoa học về dự đoán luôn được nhân loại tiến bộ theo dõi cẩn trọng. Việc lập lá số tử vi ADN cho từng cá nhân cụ thể trong những năm tới được các nhà khoa học chỉ ra tác dụng, cơ sở khoa học của nó để “khám sức khỏe”, dự báo tương lai của con người trong một số lĩnh vực sẽ tiếp cận độ chính xác gần như tuyệt đối.

GS-TS Lê Đình Lương - một trong số nhà khoa học hiếm hoi của VN tham dự Hội nghị quốc tế về hệ gene học ở Trung Quốc cho hay, phản ứng chuỗi trùng hợp (PCR) do Kary Mulis tìm ra là cuộc cách mạng trong di truyền học phân tử.

Chính nó đã mở rộng giới hạn tưởng tượng của con người hiểu biết về mình, về bí ẩn sinh học của cơ thể người. PCR sẽ rút ngắn thời gian tạo ra “lá số tử vi ADN”.

Lá số tử vi ADN” của từng cá nhân sẽ tiên tri những gì? Các nhà khoa học khẳng định: Có “lá số tử vi ADN” đồng nghĩa với việc người ta sẽ biết một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra trong tương lai sẽ bị mắc bệnh gì, mức độ nguy hiểm ra sao; khả năng phát triển trí tuệ đến đâu.

Với việc xem xét “lá số tử vi ADN”, các nhà khoa học y sinh cũng sẽ tiên đoán được chính xác con người cụ thể nào đó có khả năng học ngoại ngữ, có năng khiếu làm việc gì tốt nhất để lựa chọn công việc thích hợp, giảm được chi phí thời gian lưỡng lự lựa chọn nghề.

Nhiều người còn cho rằng, khi nghề nghiệp, mức độ phát triển trí tuệ dự đoán đúng thì hôn nhân và khả năng thành đạt trong xã hội cũng dễ bề suy đoán được.

GS Lương cho rằng, có “lá số tử vi ADN”, con người không chỉ biết trước bệnh tật sẽ phát sinh mà còn tìm được loại thuốc đặc trị cho từng bệnh, thuốc thích ứng với từng người thông qua phân tích, xét nghiệm ADN.

Hơn thế nữa, với “lá số tử vi ADN” và công nghệ sinh học phân tử hiện có, người ta có thể chủ động tạo các gene mới, gây đột biến những điểm định trước trên phân tử ADN để tạo sinh vật thông minh, khỏe mạnh, có sắc đẹp... như mong muốn.

Nếu thế, sự bí ẩn mang tính sinh học cũng như tương lai của con người đang dần được thu nhỏ trong lòng bàn tay của các nhà khoa học. Nhân loại vẫn đang chờ đợi “lá số tử vi ADN” ra đời.

Quyền Thành

Theo Tiền phong
  • 1.333