Ổ đĩa HDD và SSD chỉ bảo đảm an toàn cho dữ liệu khoảng 5-10 năm, trong khi đĩa quang lưu trữ M-DISC hứa hẹn khả năng tồn tại lên đến 1.000 năm.
Từ hàng nghìn năm trước, con người đã lưu trữ thông tin bằng cách khắc lên đá, gỗ và những loại vật liệu có độ bền cao. Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, có nhiều cách lưu trữ khác nhau, đảm bảo dữ liệu an toàn trong một khoảng thời gian nhất định.
Với ổ đĩa HDD và SSD thông dụng, con số này là 5-10 năm. Băng từ có thể lưu vài thập kỷ, trong khi đĩa quang lưu trữ M-DISC tự giới thiệu khả năng lưu hàng trăm năm, thậm chí lên đến 1.000 năm.
Tuy nhiên, theo Howtogeek, độ bền của từng loại phương tiện lưu trữ còn phụ thuộc vào cách chúng ta xử lý, bảo quản.
Thông thường, đa số cho rằng những doanh nghiệp lớn, nhân vật quan trọng là đối tượng chính cần phải quan tâm, lo lắng về việc lưu trữ dữ liệu lâu dài. Tuy nhiên, kể cả người dùng cá nhân đôi khi cũng có thông tin cần thiết phải giữ gìn trong 10 năm hay 50 năm.
Để lưu trữ an toàn dữ liệu trong thời gian dài, người dùng cần chọn lựa hình thức phù hợp. (Ảnh: Rev).
Vì nhiều lý do, bạn cần phải lưu trữ dữ liệu lâu dài. Có thể đó là tài liệu, hồ sơ cũ, muốn truyền lại cho các thế hệ tương lai hoặc lưu giữ hồ sơ tài chính và các giấy tờ cần thiết khác theo thủ tục pháp lý.
Kể cả trường hợp muốn giữ gìn những kỉ niệm cá nhân, chẳng hạn ảnh, video, người dùng cũng cần tìm cách lưu trữ an toàn.
Chìa khóa để bảo quản dữ liệu lâu dài chính là tìm định dạng lưu trữ đáng tin cậy, tồn tại trong thời gian mong muốn. Người dùng có thể sử dụng phương pháp lưu trữ vật lý như giấy chất lượng cao, film được thiết kế đặc biệt hoặc các tùy chọn lưu trữ kỹ thuật số như ổ đĩa cứng, dịch vụ đám mây.
Nếu cân nhắc lựa chọn lưu trữ dữ liệu dưới dạng kỹ thuật số trong thời gian dài, người dùng nên hiểu rõ những thách thức phải đối mặt.
Đầu tiên, phương tiện lưu trữ kỹ thuật số như ổ đĩa HDD, SSD có thể xuống cấp theo thời gian và cuối cùng sẽ bị hỏng. Điều đó yêu cầu người dùng phải tạo các bản sao mới trước khi thiết bị lưu trữ gặp lỗi.
HDD và SSD là 2 loại phương tiện lưu trữ thông dụng nhưng dễ bị xuống cấp theo thời gian. (Ảnh: Shutterstock).
Thách thức khác cần xem xét là định dạng tập tin bị lỗi thời. Một số định dạng không tương thích với phần mềm mới khi công nghệ ngày càng tiến bộ. Như vậy, ngay cả khi phương tiện lưu trữ vẫn tồn tại, có thể không thiết bị nào đọc được nó hoặc các chi tiết về tập tin không còn đầy đủ.
Mặt khác, mỗi khi di chuyển dữ liệu hiện tại sang định dạng mới hơn để duy trì, dữ liệu có thể xuống cấp theo một cách nào đó mà không ai phát hiện ra cho đến khi có người cần sử dụng chúng.
Với định dạng kỹ thuật số, hacker, phần mềm độc hại và thiên tai đều có thể đe dọa dữ liệu. Vì vậy, người dùng cần có biện pháp bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ thông tin của mình, giữ gìn thiết bị lưu trữ trong một môi trường vừa an toàn vừa ổn định lâu dài.
Đĩa quang lưu trữ, chẳng hạn như M-DISC, được thiết kế chuyên dụng để lưu trữ dữ liệu lâu dài. Không giống như CD và DVD thông thường, phương tiện này sử dụng một lớp đặc biệt làm bằng vật liệu có khả năng chống lại sự xuống cấp theo thời gian, kể cả tia cực tím và độ ẩm.
Theo tuyên bố của các nhà sản xuất, M-DISC có thể tồn tại tới 1.000 năm hoặc hơn. Hiện tại chưa thể kiểm chứng thực tế con số đó, nhưng thông tin xuất phát từ các thử nghiệm có cơ sở tin cậy.
Băng từ được dùng trong nhiều thập kỷ để lưu trữ dữ liệu lâu dài. Nó có độ bền cao, chịu được nhiệt độ và độ ẩm. Phương tiện này cũng tương đối rẻ so với các tùy chọn khác.
Bên trong một trung tâm dữ liệu sử dụng băng từ để lưu trữ. (Ảnh: Depositphotos).
Thông thường, băng từ được lưu trữ trong kho lạnh với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm ổn định có thể tồn tại 30 năm hoặc hơn, trong khi một số băng từ chất lượng cao lên đến 50 năm.
Tuy nhiên, băng từ cần thiết bị chuyên dụng để đọc và ghi dữ liệu. Do cấu tạo cơ học phức tạp, loại máy móc đó khó tồn tại lâu như yêu cầu lưu trữ của người dùng.
Ổ cứng cơ học (HDD) là thiết bị lưu trữ chính cho máy tính trong hàng chục năm qua. Chúng đáng tin cậy, nhanh và tương đối rẻ. Nhưng HDD không được thiết kế để lưu trữ lâu dài. Tuổi thọ trung bình của ổ cứng chỉ khoảng 3-5 năm.
SSD nhanh hơn và đáng tin cậy hơn so với HDD, nhưng chúng đắt hơn và cũng không được thiết kế để lưu trữ lâu dài. Tuổi thọ trung bình của SSD là khoảng 5-10 năm.
Nếu sử dụng HDD hay SSD để lưu trữ trong thời gian dài, người dùng nên thường xuyên sao lưu dữ liệu và thay thế ổ đĩa vài năm một lần. Riêng SSD, nếu không được bật nguồn định kỳ, nó vẫn có thể bị mất dữ liệu do rò rỉ điện tích từ các ô nhớ.
Lựa chọn cuối cùng là lưu trữ đám mây, đặt trách nhiệm giữ an toàn cho dữ liệu vào công ty bên thứ 3 như Google hoặc Microsoft. Những doanh nghiệp này phải tuân thủ các tiêu chuẩn lưu trữ để đảm bảo dữ liệu an toàn.
Tuy nhiên, đó không thực sự là một lựa chọn để lưu trữ lâu dài vì không có gì đảm bảo rằng họ vẫn tồn tại sau 20 hoặc 50 năm nữa.