Trên trang Facebook TOP Comments, một câu hỏi thú vị đã được đặt ra: Làm cách nào mà người ta xây được mấy cái giàn khoan trên biển nhỉ? và thắc mắc này đã nhận được không ít sự quan tâm của cộng đồng mạng với nhiều lời giải thích hết sức hài hước.
Một câu hỏi thú vị và câu trả lời hài hước. (Ảnh: Top Comment).
Một một số bình luận (vui) còn cho rằng: Người ta mang nó ra biển từ lúc nhỏ, nuôi nó lớn lên sẽ thành như vậy nhé! hay 'Họ tát nước xung quanh rồi xây giàn khoan. Sau đó đổ nước lại, dễ thế mà cũng không biết'.
Tất nhiên đây chỉ là những lý giải hài hước, mang tính giải trí, vui nhộn. Thực sự thì giàn khoan (dầu) được xây dựng trên biển như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây:
Giàn khoan là một cấu trúc nặng tới hàng chục ngàn tấn, được con người xây dựng và lắp đặt trên bề mặt nước biển để khoan các giếng dưới đáy đại dương nhằm khai thác và xử lý dầu, khí thiên nhiên.
Tùy thuộc vào dạng địa hình, cấu trúc đáy biển hay mục đích sử dụng mà người ta sử dụng các loại giàn khoan khác nhau. Nhìn chung, giàn khoan được sử dụng chủ yếu ở khu vực thềm lục địa.
Các loại giàn khoan. (Ảnh: Thành Luân).
Có hai loại giàn khoan chính là giàn khoan cố định với đáy biển (nếu gần bờ và độ sâu với đáy biển dưới 120 m) và giàn khoan nổi (trên đảo nhân tạo hay phao nổi, bè mảng) nếu xa bờ và khoảng cách với đáy biển sâu hơn 120 m.
Cấu trúc giàn khoan có thể chia làm ba phần chính là giàn cố định (Fixed platform), tháp ưng thuận (compliant tower) và giàn chân căng (tension-leg platform- trong trường hợp giàn khoan tạm cố định với đáy biển hay thềm lục địa).
Cấu trúc giàn khoan. (Ảnh: Thành Luân).
Những phần nổi trên mặt nước được gọi là kết cấu thượng tầng, còn những phần chìm dưới biển gọi là cấu trúc hạ tầng. Để có thể nổi được trên biển thì cấu trúc thượng tầng được nâng đỡ bởi pông tông tức phao tạo lực nổi (có thể nâng cấu trúc thượng tầng cao hơn mặt nước biển).
Chính vì thế loài giàn khoan nổi (không cố định với đáy biển) rất ít bị tác động của sóng biển cũng như có thể đứng yên nhờ các chân vịt lái (thruster) của pông tông bằng phương pháp định vị động học DP (dynamic positioning).
Đầu tiên chúng ta cần hiểu rằng giàn khoan được xây dựng bằng cách lắp ghép các bộ phận khác nhau lại. Mỗi bộ phận sẽ được làm riêng và vận chuyển đến vị trí cố định trên biển để lắp đặt, quá trình này có thể diễn trong nhiều thắng đến nhiều năm.
Cách xây dựng giàn khoan trên biển.
Như đã nói ở trên, đối với các loài giàn khoan cố định (không thể di chuyển) thì chúng thường được xây dựng ở gần bờ và không quá sâu nên việc xây dựng chân móng cố định bằng bê tông hoặc thép, hoặc cả hai, là điều không quá khó khăn.
Người ta thường xây dựng, lắp đặt các phần của giàn khoan trên bờ rồi vận chuyển nó ra khơi để lắp ghép lại. (Ảnh: Thành Luân)
Tuy nhiên người ta thường xây chân móng ngay trên đất liền và vận chuyển nó ra vị trí lắp đặt nhờ bè nổi hay tàu (như tàu nâng hạng nặng - Heavy Lifting Vessels).
Đối với giàn khoan nửa chìm nửa nổi (còn gọi là giàn khoan bán tiềm thủy) thì nó có thể di chuyển dễ dàng trên biển nhờ hệ thống pông tông nên quá trình lắp đặt, xây dựng có thể diễn ra ngay trên đất liền và sau đó hạ thủy, đưa đến vị trí cần khoan dầu.