Trong tuyên bố về kết quả nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết, họ đã cấy thành công vào cơ thể động vật chất C60 có thể mang gen để áp dụng trong điều trị y học.
Kết quả nghiên cứu này, được đăng trên “National Academy of Sciences” của Mỹ, đã mở ra cánh cửa hy vọng cho việc khai thác phương pháp cấy gen có tính độc thấp và tính năng cao.
C60 là phân tử hình cầu được tạo thành bởi 60 nguyên tử cácbon, được ứng dụng rộng rãi trong chế tạo các sản phẩm công nghiệp.
Hiện tại, phương pháp cấy gen thường được áp dụng thông qua việc lợi dụng virus và chất béo, tuy nhiên tính ổn định và an toàn vẫn không được đảm bảo và chưa thể phát triển đến giai đoạn thực dụng. Hơn nữa, sau khi cấy gen sẽ xuất hiện các trở ngại về tính năng của gan và thận.
Ngược lại, việc cấy gen thông qua chất C60 hoàn toàn không gây ra bất kỳ trở ngại nào và rất an toàn. Các nhà khoa học đã thông qua chất C60 để đưa ADN của gen insulin một loại gen có tác dụng trong điều trị tiểu đường vào trong động vật.
Sau khi được đưa vào cơ thể động vật, gen này đã phát huy tác dụng nâng cao nồng độ insulin trong máu của động vật và hạ thấp nồng độ đường trong máu.
Do chất C60 có tính hòa tan trong nước và có ưu điểm là tính độc thấp, chi phí sản xuất khả thi, vì vậy phương pháp cấy gen thông qua chất C60 rất có triển vọng trong tương lai./.