Lần đầu phát hiện hệ ba hố đen

  •   32
  • 2.851

Các nhà vật lý học lần đầu tiên phát hiện một hệ ba hố đen, và sự tồn tại của chúng thách thức giả thuyết về sự hình thành hố đen đã được biết đến lâu nay.

Từ trước đến nay, nhiều hố đen được tìm thấy trong tình trạng thuộc hệ nhị phân. Hệ này bao gồm một hố đen và thiên thể thứ cấp, chẳng hạn như một ngôi sao, hoặc hố đen khác, theo trang Interesting Engineering hôm 25/10.

Trong báo cáo mới đăng trên chuyên san Nature, các nhà vật lý của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện Công nghệ California (Caltech) mô tả sự tồn tại của một hệ ba hố đen cách Trái đất khoảng 8.000 năm ánh sáng.

Kết xuất đồ họa về khái niệm hệ ba hố đen
Kết xuất đồ họa về khái niệm hệ ba hố đen. (Ảnh: mit).

Hệ mới bao gồm một hố đen ở trung tâm, đang "ngốn ngấu" một ngôi sao nhỏ ở khoảng cách cực gần. Ngôi sao này mất khoảng 6 ngày rưỡi để hoàn thành vòng xoay quanh hố đen.

Đáng ngạc nhiên hơn là các chuyên gia đồng thời quan sát được một ngôi sao thứ hai đang xoay quanh hố đen ở khoảng cách xa hơn. Các nhà vật lý học ước tính thành viên thứ ba phải mất đến 70.000 năm mới hoàn thành chu kỳ xoay quanh hố đen trung tâm.

Việc lực hấp dẫn của hố đen có thể khống chế một thiên thể ở khoảng cách xa đến thế làm dấy lên nhiều câu hỏi về nguồn gốc của nó.

Hố đen được cho hình thành sau một vụ nổ của một ngôi sao giẫy chết, trong quá trình phóng thích một khối lượng năng lượng và ánh sáng khổng lồ trước khi sụp đổ thành hố đen vô hình, gọi là vụ nổ tân tinh.

Tuy nhiên, phát hiện của MIT và Caltech cho thấy nếu hố đen được khai sinh sau một vụ nổ tân tinh, lẽ ra ngôi sao thứ hai không thể nào hiện diện như nó vốn có.

Để giải thích hệ ba hố đen, đội ngũ nghiên cứu nghi ngờ hố đen hình thành theo một quá trình nhẹ nhàng hơn, theo đó một ngôi sao sụp đổ trực tiếp nhưng không phóng thích năng lượng khổng lồ.

Hệ ba hố đen có thể là chứng cứ đầu tiên cho thấy một hố đen có thể hình thành từ một quy trình ít bạo lực hơn.

Cập nhật: 29/10/2024 thanhnien
  • 32
  • 2.851