Mặc dù các hành tinh hơi bị méo đi vì lực hấp dẫn của sao mẹ đã từng được ghi nhận, nhưng đây là lần đầu tiên một hành tinh có hình dạng như quả bóng bầu dục hoàn hảo được ghi nhận.
Theo Science Alert, nhờ kính viễn vọng không gian CHEOPS của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Jacques Laskar từ Đài thiên văn Paris và Đại học Khoa học và văn học Paris (Pháp) đã tìm thấy hành tinh có một không hai tên WASP-103b, quay quanh ngôi sao WASP-103 cách chúng ta đến 1.800 năm ánh sáng.
Ảnh đồ họa mô tả hành tinh hình bầu dục mới được phát hiện - (Ảnh: ESA).
WASP-103b là một "sao Mộc nóng", tức dạng hành tinh khí khổng lồ giống sao Mộc, tồn tại một cách vô lý sát bên sao mẹ.
Về lý thuyết, vùng gần các ngôi sao với lực hấp dẫn, bức xạ và gió sao cực mạnh sẽ khiến không thể kết tụ lại với nhau nên hành tinh khí không tồn tại được. Bất chấp tất cả, các sao Mộc nóng, cũng có lực hấp dẫn mạnh mẽ như sao Mộc, chễm chệ tồn tại ở nhiều hệ sao và thường có cuộc chiến khốc liệt với sao mẹ để "giành giật" bầu khí quyển.
WASP-103b có khối lượng gấp 1,5 lần sao Mộc của Hệ Mặt trời và kích thước gấp đôi, nóng hơn tới 20 lần. Kích thước khổng lồ này là do toàn bộ hành tinh đang bị thổi phồng do sức nóng của ngôi sao.
Thông thường các sao Mộc nóng quá gần sao mẹ như nó có quỹ đạo ngày một gần lại, và tương lai sẽ bị sao mẹ nuốt chửng. Tuy nhiên các quan sát cho thấy WASP-103b đang mở rộng quỹ đạo dần.
Bất chấp sự mạnh mẽ để chiến thắng sức hút tử thần của sao mẹ, cuộc giằng co đã tạo nên hình dạng kỳ lạ của hành tinh, khiến nó bị kéo dài ra thành hình elip chứ không phải hình cầu truyền thống, và trong trường hợp này là một quả bóng bầu dục hoàn hảo.
Sự biến dạng của một hành tinh sẽ được phản ánh thành một tập hợp các thông số được gọi chung là số Love (số Tình Yêu). Thông số nghe có vẻ lãng mạn này có thể phản ánh tính chất của hành tinh, bởi cách một hành tinh biến dạng liên quan mật thiết đến việc nó được làm từ vật liệu gì, từ đó cung cấp cho các nhà khoa học "cánh cửa thần kỳ" dẫn vào các thế giới quá xa xôi để quan sát trực tiếp.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.