Phong trào Bauhaus nổi lên khi những anh em nghệ sĩ và kiến trúc sư bắt đầu công cuộc khôi phục lại một châu Âu bị chiến tranh tàn phá và dần trở thành một phong cách thiết kế.
“Nếu quân đội Đức thắng trận, chúng ta có lẽ sẽ không có Bauhaus, một nền nghệ thuật sinh ra từ sự bại trận của Đức trong chiến tranh".
Có một năng lượng to lớn bị dồn nén trong tác phẩm chạm khắc gỗ Kathedrale nổi tiếng của Lyonel Feininger, được sử dụng làm trang bìa bản tuyên ngôn của Walter Gropius cho buổi lễ khai mạc Bauhaus năm 1919.
Nhà thờ Feininger trong tranh không mang phong cách cứng nhắc, tẻ nhạt và hà khắc mà là sự kết hợp sinh động của những tương phản và chuyển động - một tầm nhìn của tương lai. Kiến trúc, ánh sáng và âm nhạc, 3 yếu tố chỉ đạo của Bauhaus chính là đây.
Tác phẩm khắc gỗ Kathedrale của Lyonel Feininger. (Ảnh: Bauhaus 100).
Nói một cách đơn giản, đây là tên một ngôi trường nghệ thuật được thành lập nhằm thể hiện sự chống đối nghệ thuật Châu Âu cũ kĩ. Nơi đây phát triển một loại ngôn ngữ thiết kế và nghệ thuật mang tính trừu tượng và bùng nổ, thoát li khỏi lịch sử. Năm 1923, Gropius có nói, “Khái niệm về thế giới ngày nay đã rõ, nhưng hình dáng của nó vẫn còn mơ hồ”. Phương châm hoạt động của Bauhaus, điều khiến cho nó trở thành một triết lý cuộc sống hơn là một ngôi trường giảng dạy, chính là sự kết hợp hơi hướng hiện đại vào trong hình hài vật thể.
“Bauhaus”, một từ nghe có vẻ xa lạ nhưng dần trở nên phổ biến - thậm chí đây là tên của một nhóm nhạc rock - bắt nguồn từ chữ bauen, nghĩa là kiến tạo, và haus, nghĩa là ngôi nhà tâm linh. Đây là khái niệm thể hiện vai trò và sức mạnh to lớn của kiến trúc sư, nghệ sĩ trong việc xây dựng lại một châu Âu bị tàn phá sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Nếu quân đội Đức thắng trận, chúng ta có lẽ sẽ không có Bauhaus, một nền nghệ thuật sinh ra từ sự bại trận của Đức trong chiến tranh. Những ngôi nhà do bàn tay con người tạo ra đều chứa đựng yếu tố tâm lý, giới tính và tính ứng dụng thực tiễn. Bauhaus xác định: Môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách sống của chúng ta.
Hình dáng hòa hợp với chức năng-Tòa kiến trúc Bauhaus ở Dessau. (Ảnh chụp bởi © Lucia Moholy/Mima).
Điều mới mẻ ở ngôi trường này chính là sự kết hợp nghệ thuật và thủ công, xóa đi ranh giới giữa nghệ thuật và thực tế. Hợp nhất nghệ thuật đã trở thành nguyên lý chủ đạo trong phong trào nghệ thuật và thủ công cuối thế kỉ 19, tư tưởng của William Morris đã ảnh hưởng đến hướng đi mà Gropius vạch ra cho ngôi trường. Nhưng thật ra, Bauhaus trái ngược hoàn toàn với phong trào nghệ thuật và thủ công. Không còn vương vấn sự lãng mạn nơi đồng quê, nó tập trung vào đô thị và công nghệ, văn hóa máy móc của thế kỉ 20. Sản xuất đại trà được đặt lên hàng đầu, bỏ đi những cảm xúc và hình ảnh cuộc sống.
Học sinh tại Bauhaus sẽ trải qua khóa học sơ cấp 6 tháng về hội họa và thể nghiệm với hình dáng trước khi học thực hành 3 năm, được kèm cặp bởi 2 người: một nghệ sĩ và một nghệ nhân thủ công. Họ học kiến trúc về lý thuyết lẫn thực hành và có cơ hội làm việc với những công trình thực tế. Chương trình học sáng tạo đã thu hút những nhân tài phi thường như Paul Klee, Wassily Kandinsky, Oskar Schlemmer, họa sĩ và nhà thần học Johannes Itten, László Moholy-Nagy, Josef Albers và Marcel Breuer. Học sinh tại Bauhaus được tiếp xúc thường xuyên với những họa sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng nhất thời đại.
Thông qua chiến dịch quảng bá hoàn hảo, ngôi trường có được danh tiếng và tạo ra sức ảnh hưởng để trở thành một viện nghiên cứu duy nhất nước Đức. Bauhaus dần trở thành cái tên mà giai cấp tư sản xem là biểu tượng của sự đe dọa. Các mẹ người Đức lúc đấy hay có câu “Nếu các con không ngoan, mẹ sẽ gửi các con đến Bauhaus.”
Các buổi tiệc tại Bauhaus. (Ảnh từ amberbutchart@wordpress)
Nhưng đối với những người ủng hộ, cụm từ Bauhaus ẩn chứa một quyền năng kì diệu. Ngôi trường gắn liền với hình ảnh những cuộc diễu hành thả diều và buổi tiệc giấu mặt (masked balls), những buổi chiều tràn ngập ánh sáng và âm nhạc, buổi múa ba lê “Triadic” trừu tượng mà họ tổ chức. Đây là cơ hội kết nối học sinh từ nhiều thế hệ và quốc tịch khác nhau thành một cộng đồng sinh hoạt chung. Bauhaus là một ngôi trường nghệ thuật đầu tiên tổ chức những hoạt động sinh hoạt trong cộng đồng.
Từ buổi workshop của Bauhaus, rất nhiều sản phẩm đã trở thành chuẩn mực thiết kế: tác phẩm của Marianne Brandt; chiếc đèn bàn của Wilhelm Wagenfeld, thiết kế một chiếc trục mạ niken với một mái vòm kính mờ; ghế thép hình ống đơn giản của Breuer, nền tảng cho chiếc ghế ngồi bằng vải canvas màu xanh lá mà hẳn là nhiều người lớn tuổi sẽ còn nhớ. Nguyên lý của Bauhaus thuần tính thiết kế chức năng nên bị tách khỏi ‘tính thời trang’. Nhưng cụm từ “phong cách Bauhaus” đã mang trong mình tính thời trang sẵn có - nhiều đến nỗi mà nó được xem là một chủ thể phong cách bao quát tất cả, bao gồm tác phẩm của nhà thiết kế chủ nghĩa hiện đại, những người thậm chí không có mặt ở đó như Eileen Gray.
Trường Bauhaus được thành lập tại Weimar nhưng đã thay đổi vị trí vào năm 1925 sau khi Đảng Dân chủ Xã hội, nhà tài trợ của nó, đã mất quyền kiểm soát quốc hội tiểu bang vào tay chủ nghĩa quốc xã. Ngôi trường di chuyển đến Dessau, một thành phố công nghiệp quy mô vừa nằm ở trung tâm nước Đức. Tại đây, Gropius đã biến ý tưởng của mình thành hiện thực khi xây dựng nên một ngôi trường kết hợp workshop, bài giảng, nhà hát, nhà máy lọc dầu cùng với học sinh và nhân viên Bauhaus, “Những người cộng sự của tôi đều có chung một tư tưởng và ý chí”.
Đây là một dự án không tưởng của chủ nghĩa hiện đại. Ngôi trường Bauhaus với những hình khối và kính lấp lánh đã tạo nên một phong cách kiến trúc quốc tế mới lạ. Tổng thể của ngôi trường rất ấn tượng: những chi tiết phối hợp với nhau để tạo nên hình dáng trừu tượng tựa như bức họa của De Stijl. Theo lời của nhà văn người NgaIlya Ehrenburg, tòa kiến trúc trông như “hiện thân của lối suy nghĩ kiên định“.
Walter Ggropius. (ảnh: Bauhaus 100)
Nhưng Bauhaus không thể nào sống sót qua khỏi những năm 1930 ở Đức.
Rất nhiều nhân viên và học sinh Bauhaus là người Do Thái; bên cạnh đó, phong cách giảng dạy trừu tượng của trường bị chính quyền Nazis nguyền rủa, và năm 1931 họ đã nắm quyền kiểm soát hội đồng thành phố Dessau. Vào mùa thu tiếp đó, trường Bauhaus bị đóng cửa và chính quyền Nazis đã chiếm lấy tòa nhà, đập phá cửa sổ và bỏ đi tất cả những công cụ làm workshop. Chỉ có cuộc biểu tình quốc tế mới có thể ngăn họ đập phá toàn bộ tòa nhà.
Nỗ lực trùng tu lại Bauhaus đã được thực hiện tại Berlin bằng cách sử dụng một nhà máy sản xuất điện thoại cũ. Nhưng ngay sau khi mở lại, Hitler đứng lên cầm quyền; bộ máy chính quyền Nazis được hậu thuẫn để chống lại ngôi trường được xem là “một trong những hình thái tị nạn rõ ràng nhất của cộng đồng nghệ thuật”. Vào ngày 11 tháng 4 năm 1933, cảnh sát Berlin đã đột kích vào tòa nhà. Những tấm ảnh tài liệu xưa cho thấy cảnh học sinh bị áp giải lên xe tải.
Trong lúc đóng cửa, nhiều nhân viên của ngôi trường đã phải tháo chạy và giải tán. Gropius từ chức vào năm 1928. Klee chuyển đến Bern và Kandinsky dời đến Neuilly-sur-Seine năm 1933 để sinh sống. Albers di chuyển đến Mỹ năm 1933, nơi ông công tác giảng dạy tại trường Cao đẳng Black Mountain ở Chicago và hình thành chương trình học nền tảng dựa trên nguyên lý Bauhaus. Moholy-Nagy di chuyển tới Chicago, nơi ông thành lập viện nghiên cứu nghệ thuật riêng của mình năm 1937 với cái tên “New Bauhaus”. Giống như tiền nhiệm của mình, viện thiết kế Chicago, chương trình học nơi đây cũng tương tự như của Gropius ban đầu. Việc chính quyền Nazis gây sức ép đối với Bauhaus chỉ tiếp thêm sức mạnh để có cơ hội vươn ra quốc tế.
Luân Đôn là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc di dời của nghệ sĩ, những người đặt niềm tin vào quyền tự do dân chủ tại Anh quốc. Gropius cùng vợ mình là Ise đã đến đây vào năm 1934, theo sau đó là Breuer vào năm tiếp theo; họ cùng nhau xây dựng nên cộng đồng hạt nhân của Bauhaus dành cho những cá nhân lưu vong tại căn hộ Lawn Road ở Hampstead. Những tòa nhà được trùng tu lại của Wells Coates là một trong số ít tòa nhà ở Luân Đôn có mối liên kết với chủ nghĩa hiện đại.
Cao Đẳng Impington, thiết kế bởi Walter Gropius và Maxwell Fry, mở cửa năm 1939. (Ảnh: municipaldreams@wordpress).
Đáng thất vọng thay, Anh quốc vào những năm 1930 không mấy lý tưởng cho chủ nghĩa hiện đại như kì vọng của nhiều người, và cơ hội tìm kiếm việc làm vào thời điểm nền kinh tế đang xuống dốc như thế là rất mong manh. Hầu hết mọi người đều phải di chuyển đến các nước khác, và nhà phê bình chủ nghĩa hiện đại Herbert Read gọi đó là “cuộc di cư tất yếu đến nước Mỹ”. Nhưng vẫn có người ở lại với mong muốn đưa Bauhaus vào trong trường nghệ thuật ở Anh. Naum Slutsky, một thợ hoàn kim xuất chúng, người đã từng là thợ chính tại Weimar Bauhaus, vẫn còn giảng dạy tại Birmingham đến năm 1964.
Nơi còn lưu giữ tinh thần Bauhaus ở đất nước này là Impington, trường cao đẳng ở Cambridgeshire được thiết kế bởi Gropius và Maxwell Fry năm 1935. Đây là công trình kiến trúc duy nhất của Gropius ở đất nước này với sự giúp đỡ của Henry Morris, giám đốc giáo dục. Morris đã tạo nên ngôi trường địa phương này, một trung tâm nghệ thuật và giáo dục cho tất cả mọi người ở vùng nông thôn bất kể già hay trẻ. Gropius và Fry đã lên kế hoạch xây dựng ngôi trường ở Impington như là một hiện thân của Bauhaus.
Trường cao đẳng ở Camridgeshire thân thiện và khiêm tốn. Nikolaus Pevsner, một nghệ sĩ di cư người Đức khác, đã phát hiện ra tính thơ ca tiềm tàng ở Impington: “Đây có phải là vẻ đẹp tuyệt hảo của bộ óc trí tuệ cứng nhắc Gropius không?”. Với những gam màu tươi sáng và cánh cửa sổ tinh tế, đây chính là phong cách Bauhaus và cũng là nền tảng cho sự phát triển của ngôi trường tại Anh quốc sau chiến tranh.
Leonard Elmhrist & Dorothy Elmhrist. (Ảnh: Wikipedia).
Dartington ở Devon cũng dần tiếp thu lối sống Bauhaus. Điều này được khởi xướng bởi Leonard Elmhirst, môn sinh ở Yorshire của Rabindranath Tagore, và người vợ Mỹ giàu có của ông, Dorothy. Một trong những mục đích chính bên cạnh tham vọng của Gropius tại Bauhaus là “khiến cho nghệ sĩ hòa nhập vào cuộc sống thực tại hằng ngày”. Dartington cũng trở thành một cộng đồng quốc tế tiên phong hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hội họa và điêu khắc, âm nhạc, phim ảnh, khiêu vũ và thủ công hiện đại. Phòng của hiệu trưởng trường Dartington được thiết kế theo phong cách hiện đại để tưởng nhớ phong trào Bauhaus ở Dessau. Công ty Ballets Jooss ở thành phố Essen, bị chính quyền Nazis trục xuất năm 1934, nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ Dartington. Những bức ảnh của vũ công Jooss đã mang lại cảm xúc mới lạ cho phong trào Bauhaus ở vùng quê Totnes.
Phong trào tiên phong Bauhaus đã bắt đầu như thế. Một cuộc cách mạng nghệ thuật nổi lên ngay sau khi chiến tranh kết thúc với sự trở lại của trường Đại học nghệ thuật Hoàng Gia. Hiệu trưởng mới, Robin Darwin, là một họa sĩ. Tương tự như tại Bauhaus, những vị giáo sư đảm nhiệm giảng dạy kiến trúc, nghệ thuật và thiết kế, mỗi người sẽ tỏa sáng với kĩ năng và kiến thức của mình. Học sinh được luyện tập chuyên biệt để thuần thục các kĩ năng thiết kế. Văn hóa làm việc và học tập tại ngôi trường - tiếp thu và vận dụng những công nghệ mới, tự tin và phóng khoáng - đã nhanh chóng lan rộng sang các trường khác. Năng lựơng và nhiệt huyết cùng quyết tâm của ngôi trường nghệ thuật Bauhaus từ những năm 1960 trở đi đã biến Anh từ một nước với nền văn hóa văn chương thành một quốc gia mà đôi khi chúng ta lại tìm thấy bản thân ở đó.
Có một giai đoạn hậu chiến tranh nói về Bauhaus ở Đức: trường Cao đẳng Thiết kế Ulm mở cửa năm 1955. Hiệu trưổng đầu tiên, một vị kiến trúc sư người Thụy Sĩ Max Bill, học sinh đời đầu tại Bauhaus, đã thiết kế tòa nhà Ulm với phong cách hậu Bauhaus . Ngôi trường đã liên kết với Braun AG, nhà sản xuất thiết bị hàng đầu nước Đức. Những chiếc đồng hồ treo tường, máy trộn thức ăn, radio và máy thu âm tuyệt đẹp của Braun, tương tự như những thiết bị Bauhaus thời trước chiến tranh, đã trở thành những món đồ thời thượng và được ưa chuộng vào thời điểm đó; họ đã tạo ta một phong cách thiết kế hiện đại cho thế hệ này.
Radio của hãng Braun. (Ảnh: DESIGN20.eu).
Tôi luôn yêu mến sự kết hợp giữa tính trang trọng và điên rồ rất riêng của Bauhaus. Trong nhiều năm qua, tôi đã có dịp gặp gỡ một vài vị giáo sư Bauhaus và đồng thời ghé thăm Ise Gropius, vợ của Walter trong một ngôi nhà tuyệt đẹp ở Lincoln, Massachusetts trước khi bà qua đời năm 1982. Nhưng mãi cho đến mùa xuân kì rồi thì tôi mới tận mắt thấy được công trình Bauhaus tại Dessau, tòa nhà bị bỏ rơi trong nhiều năm ở miền Đông nước Đức. Bây giờ tôi đã hiểu ẩn ý của Rayner Banham khi ông gọi Bauhaus ở Dessau là “một nơi linh thiêng”. Điều gì khiến nó trở nên như vậy? Đó không chỉ là sự hài hòa về tổng thể kiến trúc và ngôi nhà bằng gỗ thông của những vị giáo sư gần đó mà còn là bề dày về lịch sử. Phong cách Bauhaus tồn tại để định hình thế giới hiện đại ngày nay.