Liệu Mặt trăng có trăng của chính nó? Và bạn sẽ rất bất ngờ với tên gọi của nó đấy!

  •   52
  • 3.060

Mặt trăng của Mặt trăng thì được gọi là gì? Gợi ý: Đó là một cái tên "cute hạt me" vô cùng".

Các vì sao - như Mặt trời - có các hành tinh xoay quanh. Các hành tinh lại có vệ tinh xoay quanh - như Mặt trăng của Trái đất.

Vậy câu hỏi là liệu trăng cũng có vệ tinh xoay quanh chính mình? Và nếu có, thì khoa học sẽ gọi nó là gì?

Tên gọi "cute hạt me" dành cho "trăng của trăng"

Trong một nghiên cứu chưa được công bố từ arXiv, nhà thiên văn học Juna Kollmeier từ Viện Khoa học Carnegie (Hoa Kỳ) và Sean Raymond từ phòng thí nghiệm Laboratoire d'Astrophysique de Bordeaux (Pháp) đã đặt tên cho vệ tinh của trăng là "submoon" - tạm dịch là "trăng phụ".

Mặt trăng liệu có trăng quay xung quanh?
Mặt trăng liệu có trăng quay xung quanh?

Nhưng biết gì không? Submoon là một cái tên rất mới, còn khoa học trước kia đã từng sử dụng một cái tên khác... dễ thương hơn rất nhiều. Đó là moonmoon.

Bạn có thể dịch nó ra thành "trăng của trăng", hay gọn hơn là "trăng trăng". Nhưng mà trong bài viết này, hãy dùng "moonmoon" (đọc là mun mun) để cảm nhận được rằng khoa học đôi khi cũng "cute hạt me" lắm.

Liệu moonmoon có tồn tại?

Quay trở lại với bản nghiên cứu của Kollmeier và Raymond. Ở đây, họ đã chạy một thuật toán giả lập để xem liệu cái gọi là "moonmoon" có thực sự tồn tại. Bởi lẽ ít nhất thì trong Hệ Mặt trời, chúng ta chưa tìm ra vệ tinh nào như thế hết.

Kollmeier cho biết, nguyên nhân không tìm ra moonmoon có thể là vì phạm vi tìm kiếm phải thực sự nhỏ và chính xác. Một moonmoon phải ở khoảng cách đủ gần để chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn của chính bản thân trăng, nhưng không được quá gần để tránh va chạm.

Mặt trăng của Mặt trăng còn được gọi là moonmoon.
Mặt trăng của Mặt trăng còn được gọi là moonmoon.

Nói cách khác, phải tồn tại một khoảng không giữa trăng và hành tinh, sao cho moonmoon né được lực hấp dẫn của hành tinh chủ.

Trong hệ Mặt trời, chỉ có 4 mặt trăng là đạt được yêu cầu này. Đó là Mặt trăng của Trái đất, trăng Callisto của sao Mộc, cùng Titus và Iapetus của sao Thổ. Nhưng cả 4 đều không có moonmoon tồn tại.

Nghiên cứu cũng đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng. Đó là nếu có, thì làm cách nào moonmoon lọt vào được vị trí thuận tiện ấy?

"Phải có một lực tác động đủ lớn một tảng đá từ trăng, nhưng phải bay với tốc độ vừa đủ để có quỹ đạo xoay quanh chính trăng, chứ không phải hành tinh và sao chủ" - Raymond chia sẻ.

Quá trình này đòi hỏi một lực hấp dẫn cân bằng đến mức tinh tế, vì mọi sự thay đổi sẽ làm mối quan hệ ấy biến mất. Như Mặt trăng của Trái đất, nó đang "trôi" xa dần khỏi hành tinh của chúng ta. Bởi vậy nên Mặt trăng của chúng ta sẽ không thể có một vệ tinh moonmoon xoay quanh được.

Với Trái đất, moonmoon nếu có thật cũng chỉ tồn tại trong ngắn hạn thôi. Nhưng nếu có một mặt trăng nào đạt được sự ổn định về lực hấp dẫn, nằm cách hành tinh chủ ở khoảng cách vừa đủ, thì hoàn toàn có khả năng nó chứa moonmoon.

Mặt trăng của Mặt trăng còn được gọi là moonmoon.
Các vùng ổn định của moonmoon trên một số tinh cầu trong Hệ Mặt trời.

Đồng quan điểm, nhà thiên văn học Michele Bannister từ ĐH Queens chia sẻ: "Chúng ta có thể chắc chắn sẽ không có bất kỳ moonmoon nào trong quanh sao Mộc và sao Thổ".

Đối với phạm vi tìm kiếm ngoài hệ Mặt trời, có khả năng moonmoon đang tồn tại. Nhưng việc tìm ra một ngoại hành tinh (exoplanet) đã khó, tìm ra ngoại mặt trăng (exomoon) còn khó hơn. Thế nên, để tìm ra một "ngoại moonmoon" thì tỉ lệ gần như bằng 0.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng nghiên cứu này vẫn chưa trải qua quá trình thẩm định. Nó chỉ mang ý nghĩa nền tảng cho việc xác định sự tồn tại của moonmoon, đồng thời giúp khoa học có thêm hiểu biết về lịch sử hình thành của các hành tinh và vệ tinh trong vũ trụ.

"Dù nhiều hệ hành tinh-trăng không đủ khả năng để chứa một trăng phụ, nhưng sự vắng mặt ấy cũng đem lại nhiều dữ kiện, cho chúng ta hiểu hơn về cơ chế và lịch sử hình thành của các tinh cầu trong vũ trụ" - trích trong báo cáo nghiên cứu.

"Sẽ cần thêm các nghiên cứu trong tương lai về khả năng thực sự tồn tại trăng phụ, cũng như cách để xác nhận chúng".

Cập nhật: 12/10/2018 Theo helino
  • 52
  • 3.060