Europa (vệ tinh của sao Mộc) từ lâu đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vì mặt trăng này có một đại dương ngầm bên dưới lớp vỏ băng dày.
Các chùm nước phun ra từ các vết nứt trên vỏ băng, giải phóng các thành phần của đại dương trên hành tinh này vào không gian.
Theo các nhà khoa học, các thế giới đại dương như Europa là lựa chọn tốt nhất để tìm kiếm bằng chứng về sự sống bên ngoài Trái đất. Bởi muối và nước vốn rất phổ biến trong điều kiện trái đất, hành tinh của sự sống.
Dấu hiệu hóa học của các vệt đỏ trên bề mặt Europa, được cho là hỗn hợp nước và muối đóng băng, có vẻ bất thường vì nó không khớp với bất kỳ chất nào đã biết trên Trái đất.
Mặt trăng Europa của sao Mộc chứa một đại dương ngầm dưới lớp vỏ băng dày. Các vệt đỏ được cho là hỗn hợp nước và muối đóng băng, một loại muối mới không có trên Trái đất. (Nguồn ảnh: NASA)
Vào năm 2019, các nhà khoa học đã xác định rằng các phần màu vàng trên bề mặt Europa là do sự hiện diện của natri clorua - hay còn gọi là muối ăn.
Châu Âu và Mỹ đã quan tâm tới khám phá mặt trăng đại dương Europa. Sứ mệnh JUICE của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (viết tắt của Jupiter Icy Moons Explorer - Khám phá các mặt trăng đóng băng của sao Mộc) và sứ mệnh Europa Clipper của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ khám phá các hành tinh này trong vài năm tới.
Để mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về Europa, các nhà khoa học đã làm việc để tái tạo các điều kiện của "mặt trăng" này trong phòng thí nghiệm.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng việc kết hợp nước, muối ăn, nhiệt độ lạnh và áp suất cao đã tạo ra một loại tinh thể rắn mới — và chất này có thể tồn tại trên bề mặt Europa cũng như dưới đáy đại dương ẩn giấu của nó.
Lớp vỏ băng tạo nên bề mặt của Europa được ước tính dày từ 16-24km, và đại dương của "mặt trăng" này được ước tính sâu từ 64-161km.
Hiểu được thành phần hóa học hiện diện trên các thế giới đại dương như Europa sẽ cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn về dữ liệu do các sứ mệnh thám hiểm JUICE và Europa Clipper thu thập trong tương lai.
Nhà khoa học Baptiste Journaux (Đại học Washington) cho biết: “Đây là những thiên thể hành tinh duy nhất, ngoài Trái đất, nơi nước ở thể lỏng ổn định theo thang thời gian địa chất, điều này rất quan trọng cho sự xuất hiện và phát triển của sự sống".
“Theo tôi, các "mặt trăng" này là nơi tốt nhất trong Hệ Mặt trời của chúng ta để khám phá sự sống ngoài Trái đất. Vì vậy chúng ta cần nghiên cứu các đại dương và thành phần kỳ lạ bên trong để hiểu rõ hơn về cách các đại dương này hình thành, tiến hóa và có thể giữ nước dạng lỏng ở những vùng lạnh giá của hệ mặt trời, rất xa Mặt trời", nhà khoa học Baptiste Journaux nói.