Với vẻ ngoài "xấu lạ", loài cá blobfish được đem ra làm thước đo cho chuẩn mực của cái xấu.
Theo các bạn, loài cá nào được bình chọn là xấu xí nhất hành tinh? Câu trả lời chính là blobfish (còn gọi là cá giọt nước) - loài cá được Tổ chức bảo tồn động vật xấu xí (Ugly Animal Preservation Society) bình chọn là... chuẩn mực của cái xấu.
Vậy loài cá này có điểm gì thú vị? Hãy cùng ngắm nhìn chú cá xấu nhất hành tinh này qua bài viết sau đây.
Blobfish có tên khoa học là Psychrolutes marcidus. Chúng có làn da màu trắng sữa hay hồng, nhưng cơ thể lúc nào cũng phồng rộp lên, khuôn mặt "phị" ra, trĩu xuống, trông lúc nào cũng buồn thảm.
Loài cá này lần đầu được tìm thấy tại các vùng biển thuộc New Zealand và Úc, ở độ sâu từ 600 đến 1.200m. Đây cũng là những địa điểm có áp suất cao hơn mặt biển khoảng 118 lần.
Khác với hầu hết các loại cá khác, blobfish không hề có bộ phận bong bóng nước - bộ phận cho phép cá nổi và bơi.
Do ở độ sâu như vậy, áp lực của nước sẽ khiến bong bóng cá trở nên vô dụng. Thay vào đó, blobfish được cấu tạo từ các khối gelatin nhão với mật độ nhẹ hơn nước, giúp chúng nổi lơ lửng dưới đáy đại dương.
Loài cá này còn đặc biệt ở chỗ chúng không hề sở hữu bất kỳ một một mô cơ nào. Chúng sống ở nơi ít thức ăn vậy nên blobfish có cách săn mồi có phần... nhàn rỗi.
Blobfish lơ lửng trong nước, chờ đợi con mồi đi qua (thường là cua, nhím biển, động vật có vỏ...) rồi mở miệng nuốt trọn con mồi. Theo các khoa học gia, phương pháp săn mồi này giúp chúng tiết kiệm năng lượng một cách tối đa.
Cho đến nay, quá trình sinh sản của Blobfish vẫn là bí ẩn cần giải đáp đối với các nhà khoa học. Tất cả những gì khoa học biết chỉ là con cái sẽ đẻ hàng nghìn trứng nhỏ ngay dưới đáy đại dương, sau đó chính bản thân nó hoặc bạn tình sẽ ngồi ấp trứng cho đến khi trứng nở.
Đây được xem là cách bảo vệ trứng khả thi nhất, khi môi trường xung quanh không có bất kỳ loài thực vật, hay hang động nào làm nơi trú ẩn.
Dù bản thân là loài không ăn được nhưng chúng lại sinh sống cùng khu vực với cua, tôm hùm và các loài cá khác. Kết quả là cá blobfish bị sa lưới cùng các loài khác và thường chết trong lưới trước khi kịp thả về đại dương. Bởi vậy, cá blobfish hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Chuyên gia hàng hải, giáo sư Callum Roberts đến từ ĐH York (Anh) cho biết: “Blobfish rất dễ bị tổn thương khi mắc lưới và theo những gì chúng tôi biết, loài cá này chỉ sống trong một khu vực giới hạn. Những đội tàu đánh bắt ở Australia và New Zealand hoạt động rất tích cực trong khi blobfish là loài cá chậm chạp, vì vậy chúng rất dễ bị sa lưới”.
Hiện nay, các nhà khoa học chưa biết chính xác số lượng blobfish ngoài tự nhiên, nhưng ước tính chỉ còn rất ít. Bức hình trên là một trong những bức hình hiếm nhất về loài cá này tại môi trường sống tự nhiên của chúng.