Loài chim không biết bay lớn nhất thế giới cổ đại

  •  
  • 221

Chim Dromornis stirtoni sống ở Australia thời cổ đại nặng bằng một con bò và có phần đầu dài bằng cánh tay người.

Loài chim không biết bay Dromornis stirtoni từng lang thang ở đồng bằng Australia cách đây 50.000 năm, di chuyển bằng hai chân sau giống đà điểu emu. Đây là thành viên lớn nhất trong họ chim đã tuyệt chủng có tên "mihirungs", có nghĩa là "chim khổng lồ" trong tiếng thổ dân.

Hình dáng của chim Dromornis stirtoni cổ đại.
Hình dáng của chim Dromornis stirtoni cổ đại. (Ảnh: Brian Choo).

Trong nghiên cứu công bố hôm 15/3 trên tạp chí Diversity, các nhà khoa học mô tả quá trình phân tích hộp sọ của chim mihirung để tìm hiểu kỹ hơn về bộ não của chúng. Họ phát hiện có rất ít diện tích dành cho chất xám trong não của chúng, góp phần dẫn tới hình dáng hộp sọ khá kỳ lạ.

"Cùng với đôi mắt lớn nhô về phía trước và cặp mỏ rất to, hình dáng bộ não và dây thần kinh hé lộ loài chim này nhiều khả năng phát triển mạnh nhận thức chiều sâu, ăn lá và quả mềm", tiến sĩ Warren Handley, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Flinders, cho biết. "Phân tích bộ não và dây thần kinh cho chúng tôi biết nhiều về khả năng thụ cảm của chúng cũng như cách chúng sinh sống trong rừng rậm quanh các dòng sông và hồ nước trên khắp Australia trong thời gian cực dài".

Có biệt danh "Chim sấm", mihirung phân bố khắp Australia trong hàng triệu năm. Loài lớn nhất là Dromornis stirtoni có thể cao tới 3 m và nặng khoảng 600 kg. Nhóm nghiên cứu xem xét 4 hộp sọ hóa thạch từ 4 loài chim mihirung. Mẫu vật bao gồm hộp sọ 7 triệu năm tuổi của chim Dromornis stirtoni, hộp sọ 24 triệu năm tuổi của chim Dromornis murrayi, hộp sọ 12 triệu năm tuổi của chim Dromornis planei và hộp sọ của chim Ilbandornis woodburnei.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy bộ não và dây thần kinh của chim mihirung giống gà hiện đại và chim mallee fowl Australia nhất. Chúng dựa vào thị lực tốt để sinh tồn giống như chim đà điểm và chim emu.

Nhóm nghiên cứu sử dụng hình ảnh chụp cắt lớp hộp sọ để tạo ra mô hình bộ não của loài chim cổ đại. Loài lớn và tồn tại lâu nhất là Dromornis stirtoni, chết cách đây 50.000 năm. "Loài chim này có hộp sọ lớn nhất nhưng phía sau cặp mỏ to là xương sọ kỳ quặc. Để chứa các cơ bắp giúp cặp mỏ cử động, xương sọ trở nên cao và rộng hơn, vì vậy bộ não bên trong bị đè ép và làm phẳng để chứa vừa bên trong", Worthy giải thích.

Cập nhật: 29/03/2021 Theo VnExpress
  • 221