Trong bài viết công bố trên tạp chí Functional Ecology, các nhà khoa học đã mô tả cách loài dơi Barbastella barbastellus đánh lừa con mồi. Hóa ra khi săn mồi, loài động vật có vú này sử dụng các âm thanh mà côn trùng hầu như không nghe được.
Loài dơi Barbastella barbastellus. (Ảnh:Arkive).
Để định hướng trong không gian, dơi sử dụng định vị âm thanh (echolocation) khi chúng gửi các âm thanh tần số cao và qua các sóng phản xạ từ các chướng ngại vật, chúng xác định được khoảng cách tới đối tượng. Một số loài côn trùng có thể bắt được những âm thanh đó và nhờ vậy thoát khỏi những kẻ săn mồi vào ban đêm này. Nhưng loài dơi Barbastella barbastellus tinh quái đã tìm được cách lừa dối các con mồi của nó - những âm thanh nó phát ra khẽ hơn nhiều so với âm thanh của những loài dơi khác và khi chúng càng tiến gần tới con mồi là côn trùng thì tiếng kêu của chúng càng khẽ.
Chiến thuật của loài dơi Barbastella barbastellus có thể coi là “đánh úp rón rén”. Chúng dần dần tiến đến gần côn trùng với âm thanh khoảng 10 lần khẽ khàng hơn những kẻ săn đêm khác. Côn trùng không kịp nghe kẻ đi săn đang đến gần. Càng đến gần con mồi thì dơi càng kêu khẽ, nhờ vậy dơi có thể đánh lừa ngay cả những con côn trùng có thể bắt được những âm thanh do dơi phát ra.
Để theo dõi thói quen của dơi, các nhà khoa học đã sử dụng con mồi là loài bướm đêm Noctua pronuba. Họ treo côn trùng lên một cái cần dài và bên trên cao có gắn một microphone nhỏ. Vì vậy, từ vị trí của con mồi, các nhà khoa học có thể nghe thấy tiếng kêu của dơi.
Dơi nhận thấy côn trùng ở khoảng cách 1,5m. Khi khoảng cách được giảm xuống còn 1m, âm lượng do dơi phát ra giảm đi một nửa. Như vậy, cường độ âm thanh khi đến gần vẫn tương đương với khi dơi còn ở xa và côn trùng không còn cơ hội nào sống sót.