Phân tích hóa thạch 328 triệu năm ở Mỹ tiết lộ một loài mực ma cà rồng tiền sử chưa từng được biết đến có tới 10 xúc tu.
Trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Communications hôm 8/3, các nhà khoa học đặt tên cho loài mới là Syllipsimopodi bideni. Hóa thạch của sinh vật được tìm thấy tại khu vực đá vôi Bear Gulch ở Quận Fergus, bang Montana của Mỹ, sau đó trao tặng cho cho Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Canada vào năm 1988, nhưng gần đây mới được kiểm tra chi tiết bởi Đại học Yale và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ.
Mô phỏng mực Syllipsimopodi bideni. (Ảnh: K. Whalen/Christopher Whalen)
Phân tích cho thấy Syllipsimopodi bideni sống trong Kỷ Than Đá cách đây khoảng 328 triệu năm, khiến nó trở thành loài mực ma cà rồng cổ xưa nhất từng được biết đến trên Trái Đất, sớm hơn 82 triệu năm so với loài giữ kỷ lục cũ.
Hóa thạch chỉ dài vài cm tiết lộ Syllipsimopodi bideni có một cơ thể cứng bên trong với 10 cánh tay (hay xúc tu) có giác mút, hai trong số đó mọc dài hơn phần còn lại.
"Đây là loài mực ma cà rồng đầu tiên và duy nhất có 10 phần phụ chức năng", nhà cổ sinh vật học Christopher Whalen tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ nhấn mạnh. Tác giả chính của nghiên cứu lưu ý thêm rằng tất cả loài Vampyropoda - bao gồm bạch tuộc và mực ma cà rồng - được báo cáo trước đây đều có 8 xúc tu.
Số lượng phần phụ chức năng là một đặc điểm để phân biệt liên bộ Vampyropoda với Decabrachia (bao gồm các loài mực 10 xúc tu). Vì vậy, khám phá mới là bằng chứng đầu tiên củng cố giả thuyết tất cả động vật chân đầu đều bắt nguồn từ tổ tiên có 10 phần phụ.
Theo nhóm nghiên cứu, hai cánh tay dài hơn của Syllipsimopodi bideni có thể được sử dụng để bắt con mồi, trong khi 8 cánh tay ngắn hơn có chức năng nắm giữ và điều khiển nó. Giống như các loài mực hiện đại, sinh vật cổ xưa này cũng có các vây đủ lớn để giữ thăng bằng và bơi.