Đốt nến trong giờ Trái đất là một hành vi phản khoa học, nhưng nếu cây nến làm từ sáp ong thì lại là chuyện khác.
Việc đốt nến trong giờ Trái đất từ lâu đã được cảnh báo là rất có hại. Nếu như vào năm 2007, với 2 triệu người tham gia tại Sydney (Úc) chúng ta giảm được 24 tấn CO2 do các thiết bị điện thải ra, thì với 1 triệu cây nến được thắp lên, bầu khí quyển sẽ nhận thêm tới... hơn 1 ngàn tấn CO2.
Nêu vậy để thấy rõ một điều rằng chúng ta không nên làm một việc thừa thãi và phản tác dụng là đốt nến trong khi đang hưởng ứng một phong trào rất ý nghĩa vì môi trường. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải đốt nến, ít nhất hãy sử dụng một cây nến làm từ sáp ong.
Những cây nến chúng ta thường hay sử dụng - loại nến thải ra cả nghìn tấn CO2 nói trên hầu hết đều làm từ sáp paraffin - còn gọi là sáp dầu hỏa.
Nến bình thưởng thải ra cả nghìn tấn CO2, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Đúng như tên gọi, sáp dầu hỏa làm từ dầu hỏa tinh chế. Theo như một số nghiên cứu khoa học, trong sáp paraffin có chứa 11 hợp chất hóa học độc hại y như trong dầu hỏa, gồm cả benzene và toluene. Do đó, việc đốt một cây nến từ sáp paraffin cũng gây hại không kém gì việc đốt thứ nhiên liệu hóa thạch này.
Đốt một cây nến paraffin thậm chí có thể nguy hại hơn thế này...
Và thậm chí nếu so với dầu hỏa, loại nến paraffin này còn có phần độc hại hơn. Nguyên nhân là vì để có được một cây nến hoàn chỉnh, các nhà sản xuất phải sử dụng chất tẩy công nghiệp cực mạnh nhằm đổi màu đen của dầu thành sáp nến màu trắng. Với sự xuất hiện của chất tẩy, nến paraffin còn có thể tạo ra dioxin - hóa chất cực kỳ độc hại đối với cơ thể người và động vật.
Khác chứ! So với nến làm từ sáp ong, nến paraffin chỉ có một ưu điểm duy nhất là... rẻ (hơn khoảng 10 lần), còn về tất cả mọi thứ đều thua rất xa. Loại nến này đắt là bởi vì theo các nhà khoa học, những con ong phải bay một quãng đường dài tổng cộng 250.000km để thu thập đủ lượng phấn hoa làm nên 3 cân mật ong. Trong khi đó, 40 cân mật ong thành phẩm, người ta mới thu được chưa đầy 1kg sáp ong.
Nến sáp ong được làm hoàn toàn từ thiên nhiên.
Nhưng đắt thì xắt ra miếng. Một cây nến làm từ sáp ong nguyên chất - tức là 100% thành phần đến từ thiên nhiên - sẽ không bao gồm bất kỳ một hóa chất nào. Nghĩa là khi đốt lên, nến sáp ong sẽ không thải ra bất kỳ hóa chất độc hại nào như loại nến parraffin "rẻ mạt" kia. Hơn nữa, nến sáp ong là loại nến không khói, hoặc rất ít khói, vậy nên có thể nói nó rất an toàn.
Nến sáp ong thân thiện với môi trường, không thải ra bất kỳ hóa chất độc hại nào.
Ngoài ra, trong nến sáp ong thường có chứa mật và phấn hoa, nên mùi hương khi đốt vô cùng dễ chịu, ngay cả với những người có khướu giác nhạy cảm với mùi thơm. Và chưa hết đâu, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng sáp ong nguyên chất sẽ giải phóng các ion mang điện tích âm vào không khí. Những ion này có tác dụng hút bụi bẩn, phấn hoa, mốc... hay nói cách khác chúng làm sạch bầu không khí xung quanh chúng ta.
Đốt cháy lâu hơn và lưu lại mùi thơm dịu nhẹ với nến sáp ong.
Hơn nữa, nếu so về độ sáng và thời gian cháy, nến paraffin cũng không phải đối thủ xứng tầm. Các thí nghiệm cho thấy nến sáp ong tạo ra luồng sáng với quang phổ gần như tương đồng với ánh sáng Mặt trời. Đồng thời, sáp ong là loại sáp có nhiệt độ nóng chảy cao nhất, đồng nghĩa với việc thời gian cháy lâu hơn rất nhiều so với các loại sáp thông thường.
Đốt nến thải ra CO2, vậy nến sáp ong thì sao?
Khi đốt một sản phẩm có thành phần là carbon, chúng ta sẽ nhận về khí CO2 - đó là điều chắc chắn.
Thế nhưng sáp ong là loại carbon trung tính. Để làm ra được sáp, những con ong đã lấy đi một lượng CO2 tương đương từ khí quyển. Do đó về mặt lý thuyết thì khi đốt sáp ong, chúng ta có một sự cân bằng về khí thải, tức là rất thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng nến bạn sử dụng là sáp ong nguyên chất. Nếu như bị pha tạp, lượng khí thải khi đốt nến sẽ chẳng khác gì so với nến paraffin cả. Vì thế nếu có ý định mua nến sáp ong, hãy nhớ lựa chọn nguồn thật tin tưởng các bạn nhé.