Loài nhện kỳ lạ có 3 loại con đực khác nhau

  •  
  • 167

Các nhà khoa học đã tìm thấy một loài nhện quý hiếm ở New Zealand với 3 loại con đực khác nhau.

Đa số các loài động vật và côn trùng chỉ có giống đực và giống cái. Tuy nhiên ở một số loài, giới tính của chúng trở nên phức tạp hơn.

Nhện đực Forsteropsalis pureora có tới 3 loại khác nhau.
Nhện đực Forsteropsalis pureora có tới 3 loại khác nhau. (Ảnh: EC Powell).

Trong lịch sử, chúng ta từng ghi nhận những loài không có giống, có nhiều hơn 2 giống, hoặc cá biệt như loài nhện hiếm ở New Zealand có tới 3 loại con đực khác nhau.

Đó là loài nhện chân dài có tên khoa học Forsteropsalis pureora. Ở loài này, có 3 loại con đực trông khá giống nhau, nhưng trên thực tế lại sở hữu các gene khác nhau.

Đứng đầu hệ thống phân cấp là con đực alpha nổi bật với kích thước to lớn, có bộ hàm ngắn nhưng khỏe như "gọng kìm". Vũ khí này thường được nó dùng để kìm hãm đối thủ khi tranh giành lãnh thổ hoặc bạn tình.

Tiếp theo là con đực beta, có chân dài và mỏng hơn. Vị trí cuối cùng là con đực gamma, nổi bật với kích thước nhỏ hơn 2 con còn lại tới 7 lần.

Không khác nhau về ngoại hình, những con nhện đực này còn có hành động khác biệt.

2 con nhện đực đang chiến đấu để tranh giành bạn tình
2 con nhện đực đang chiến đấu để tranh giành bạn tình. (Ảnh: EC Powell).

Cụ thể nhện đực gamma thay vì chiến đấu để tranh giành bạn tình giống như các đồng loại lớn hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng có xu hướng từ bỏ cuộc chiến ngay từ đầu.

Thay vào đó, chiến thuật sinh tồn của chúng là lén lút tìm kiếm những con cái không được bảo vệ để sinh sản cùng. Các nhà khoa học đã đặt ra nhiều giả thuyết về việc tại sao lại có tới 3 giống nhện đực khác nhau cùng tồn tại trong một xã hội của loài nhện Forsteropsalis pureora.

Đến nay, giả thuyết được tin tưởng nhất liên quan tới việc một vài cá thể nhện đực có thể đã bị mất đi các chi trong quá trình phát triển.

Điều này khiến chúng nhỏ hơn và yếu hơn so với những con nhện khác khi lớn lên, do những chi đã mất không mọc lại.

"Có lẽ, điều này là do chúng không thể có đủ thức ăn cho sự phát triển của mình do hoạt động săn mồi bị cản trở", nhà sinh thái học tiến hóa Erin Powell khẳng định.

Giả thuyết thứ hai đặc biệt thu hút sự chú ý, khi gợi ý rằng những con nhện đực có thể đã quyết định "hạ vũ khí" vĩnh viễn và áp dụng một lối sống mới không dựa vào sự cạnh tranh.

Cho dù nguyên nhân là gì, việc tồn tại tới 3 giống đực ở một loài được xem là khá hy hữu, và sẽ còn khiến các nhà khoa học "đau đầu" trong thời gian dài.

Những phát hiện về loài nhện này thậm chí đã khiến khoa học buộc phải suy nghĩ lại về hệ thống giao phối của động vật, cũng như các chiến lược sinh sản mà chúng áp dụng để đạt tới mục đích.

Cập nhật: 11/07/2023 Dân Trí
  • 167