Loài rắn lục ở Việt Nam sở hữu bề ngoài độc đáo và đáng sợ

  •  
  • 198

Mặc dù mang tên gọi rắn lục, loài rắn này lại không hề sở hữu lớp vảy màu xanh lục như thường thấy, mà sở hữu vẻ bề ngoài đáng sợ với cặp sừng trên đầu.

Loài rắn độc đặc hữu tại Việt Nam

Sinh vật được đề cập ở trên là loài rắn lục sừng, còn được biết đến với tên gọi rắn lục sừng Fan-si-pan, có tên khoa học Protobothrops cornutus.

Dù mang tên gọi rắn lục, loài rắn này không sở hữu lớp vảy màu xanh lục, thay vào đó nó có cơ thể với lớp vảy màu nâu xám, có dãy đốm tối màu dọc giữa thân, mặt bên thân màu nâu sáng. Màu sắc này giúp loài rắn lục sừng có khả năng ngụy trang tốt trong môi trường sống của nó để săn mồi và tránh kẻ thù trong tự nhiên.

Rắn lục sừng có phần đầu và cổ phân biệt rõ, thân dài và mảnh
Rắn lục sừng có phần đầu và cổ phân biệt rõ, thân dài và mảnh (Ảnh: iNaturalist).

Giống các loài thuộc họ rắn lục khác, rắn lục sừng Fan-si-pan sở hữu đầu lớn hình tam giác, phần đầu phân biệt rõ với cổ và thân. Đây là loài rắn kích thước nhỏ, cá thể đực nhỏ hơn cá thể cái. Những con trưởng thành thường chỉ dài từ 0,6 đến 0,9m và nặng từ 0,6 đến 1,3kg.

Điểm nổi bật trên đầu của loài rắn này có 2 phần vảy nhô cao phía trên mắt, giống như cặp sừng sắc nhọn. Những cá thể đực thường có "cặp sừng" lớn hơn so với con cái. Chính đặc điểm này đã tạo nên tên gọi và dáng vẻ bên ngoài đáng sợ của loài rắn lục sừng.

Phần vảy trên mắt loài rắn này nhô cao, giống như cặp sừng, tạo nên tên gọi cho loài vật
Phần vảy trên mắt loài rắn này nhô cao, giống như cặp sừng, tạo nên tên gọi cho loài vật (Ảnh: Research Gate).

Môi trường sống và thức ăn của rắn lục sừng Fan-si-pan

Rắn lục sừng Fan-si-pan thường sống ở những vùng núi đá vôi hoặc các mỏm đá granit, các khu rừng ẩm và rừng nhiệt đới ở độ cao từ 250m đến 2.000m.

Tại Việt Nam, loài rắn này được phân bố tại Lào Cai (Sa Pa, Văn Bàn), Hà Giang (Khau Ca), Cao Bằng (Hạ Lang), Ninh Bình (Hoa Lư), Quảng Bình (vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), Thừa Thiên Huế (vườn quốc gia Bạch Mã). Đây là một loài rắn hiếm gặp, có sinh cảnh sống bị chia cắt và rải rác.

Rắn lục sừng Fan-si-pan là loài hoạt động về đêm. Hành vi này giúp chúng tránh được những kẻ săn mồi tiềm tàng ngoài tự nhiên. Vào ban ngày, loài rắn này thường trú ẩn trong các hốc cây hoặc dưới các tán lá rậm rạp… màu sắc cơ thể giúp chúng có thể ẩn náu tốt trong môi trường sống của mình.

 Màu sắc cơ thể giúp loài rắn này ngụy trang tốt trong môi trường sống của nó
Màu sắc cơ thể giúp loài rắn này ngụy trang tốt trong môi trường sống của nó (Ảnh: Yan).

Loài rắn này săn mồi vào ban đêm. Nhờ những hốc cảm biến nhiệt trên mặt, rắn lục sừng có thể đi săn trong bóng tối nhờ khả năng cảm nhận nhiệt độ cơ thể của con mồi.

Chúng chủ yếu ăn các loài động vật có vú nhỏ, chim, thằn lằn và ếch. Loài rắn này sử dụng chiến lược săn mồi phục kích, kiên nhẫn chờ đợi con mồi đến gần rồi mới tấn công, tiêm nọc độc vào con mồi và ăn thịt.

Rắn lục sừng Fan-si-pan độc đến đâu?

Rắn lục sừng Fan-si-pan là loài thuộc phân họ rắn Crotalinae của họ rắn lục, sở hữu nọc độc máu nguy hiểm.

Khi bị cắn, nạn nhân sẽ bị đau đớn, phù nề, rối loạn đông máu khiến máu chảy liên tục. Nếu nạn nhân không được chăm sóc y tế kịp thời, có thể dẫn đến hoại tử vết thương hoặc thậm chí thiệt mạng.

Tuy nhiên, do rắn lục sừng Fan-si-pan thường sống trên núi cao, ở những khu vực ít có con người sinh sống và bản thân loài rắn này cũng hiếm gặp nên số vụ đụng độ giữa con người và rắn lục sừng là hiếm khi xảy ra, do vậy ít trường hợp con người bị loài rắn này cắn trúng được ghi nhận.

Tình trạng bảo tồn của rắn lục sừng Fan-si-pan

Lục sừng là loài rắn hiếm gặp và cần được bảo tồn
Lục sừng là loài rắn hiếm gặp và cần được bảo tồn (Ảnh: oldfears).

Do rắn lục sừng Fan-si-pan có sinh cảnh sống bị chia cắt, môi trường sống bị suy thoái do tình trạng khai thác đá, khai thác và xâm lấn đất rừng… khiến loài rắn này bị đe dọa.

Hiện rắn lục sừng Fan-si-pan được xếp vào danh sách "động vật dễ bị tổn thương" trong sách đỏ Việt Nam, thuộc loài động vật hiếm gặp, dễ bị đe dọa tuyệt chủng nếu có tác động tiêu cực đến sinh cảnh sống, do vậy pháp luật tại Việt Nam cấm săn bắt và buôn bán loài rắn này.

Cập nhật: 29/10/2024 Dân Trí
  • 198