Loại cây này được coi như nguồn protein hoàn chỉnh với 9 axit amin thiết yếu và các vi chất cần thiết khác như mangan, magiê, phốt pho, sắt, chất chống oxy hóa...
Kể từ những năm 1970, rau dền đã trở thành một loại thực phẩm và mỹ phẩm trị giá hàng tỷ USD. Những người mua sắm muốn ăn uống khỏe mạnh sẽ thấy rau dền ngày càng được bán nhiều trong các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ, hoặc trong các quán ăn nhanh trên khắp Mexico và ngày càng tăng ở châu Âu cũng như châu Á-Thái Bình Dương.
Tsosie-Peña, cư dân vùng Santa Clara Pueblo, New Mexico nói: “Đây là một loài thực vật có thể nuôi sống thế giới". Đối với bà, rau dền còn có giá trị văn hóa sâu sắc.
Một phụ nữ lớn tuổi cắt rau dền ở Uttarakhand, Ấn Độ. Rau dền là cây bản địa của Bắc và Trung Mỹ nhưng cũng được trồng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Tây Phi và Caribê... (Ảnh: Alamy).
Rau dền là một loại thực vật 8.000 năm tuổi - không phải là ngũ cốc mà là một loại hạt giống như quinoa và kiều mạch.
Trước khi người Tây Ban Nha đến châu Mỹ, người Aztec và Maya đã trồng rau dền để tạo ra nguồn cung cấp protein tuyệt vời, cũng như phục vụ các mục đích nghi lễ. Khi những kẻ chinh phạt người Tây Ban Nha đến lục địa này vào thế kỷ 16, họ đe dọa chặt tay bất cứ ai trồng rau dền, vì sợ rằng mối liên hệ tâm linh của người Mỹ bản địa với thực vật và đất đai có thể làm suy yếu Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, những người nông dân vẫn tiếp tục bí mật trồng rau dền.
Ở Guatemala, cây rau dền phải đối mặt với một cuộc đại tuyệt chủng khác khi các lực lượng nhà nước bắt đầu nhắm vào người Maya và đốt các cánh đồng của họ, trong cuộc nội chiến 1960-1996. Để bảo quản thực phẩm truyền thống, nông dân Maya đã đổ một ít hạt giống vào lọ thủy tinh để chôn trên cánh đồng của họ hoặc giấu dưới ván sàn.
Magaly Salazar, một phụ nữ Maya ở San José Poaquil, đã thành công giấu một lọ hạt giống rau dền bằng thủy tinh nhỏ sau một trong những viên gạch của mình. Sau cuộc nội chiến, khi cảm thấy có thể trồng rau dền an toàn trở lại, Salazar lấy hạt giống của mình và bắt đầu chia sẻ chúng với những người nông dân khác.
Từ năm 2009, hàng năm nông dân Guatemala và tổ chức Qachuu Aloom đều đến Hoa Kỳ để chia sẻ kiến thức của họ về rau dền với những người làm vườn bản địa và người Latinh. Ở California, họ chia sẻ hạt giống với các thành viên của Bộ lạc Bishop Paiute và với các khu vườn đô thị ở Los Angeles; và ở phía bắc New Mexico, họ tổ chức các hội thảo làm vườn và nấu ăn trong cộng đồng nông thôn của La Madera.
Nhưng Qachuu Aloom không phải lúc nào cũng là người cung cấp hạt giống - nhiều người làm vườn bản địa, chẳng hạn như Roxanne Swentzell, bạn của Tsosie-Peña, đã bảo quản rau dền của riêng họ. Ví dụ, trong khu bảo tồn Hopi ở Arizona, các thành viên của Hopi Tutskwa Permaculture tiếp tục trồng loại rau dền Hopi Red Dye Amaranthvà đã chia sẻ nó với Qachuu Aloom.
Tsosie-Peña nói rằng sự trao đổi này giữa nông dân Bắc và Trung Mỹ không chỉ là về cây rau dền; nó cũng là về việc kết nối lại với các tuyến đường thương mại cổ xưa.
Nhiều người tham gia các khu vườn cộng đồng là những người nhập cư gần đây từ Trung Mỹ và Mexico cũng có ký ức về cây rau dền. Sarah Montgomery, một phụ nữ tham gia việc tổ chức công bằng lương thực với phụ nữ Maya ở Guatemala, nhớ lại một người tham gia khi nhìn thấy cây rau dền liền thốt lên, "Tôi nhớ bà tôi đã trồng cây này".
Montgomery nhận thấy có vẻ như các kết nối về rau dền đã phát triển khắp nơi trên thế giới, và gắn với các chu kỳ thuộc địa hóa.
Năm 2010, Thời báo New York đăng một bài báo về mối đe dọa tiềm tàng của siêu cỏ - loại cỏ tự phát triển để kháng thuốc diệt cỏ - bao gồm cả cây rau dền. Khi được phun trên cánh đồng, thuốc diệt cỏ được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại cây ngoại trừ cây trồng được biến đổi gen phù hợp. Nhưng, bằng cách nào đó, cây rau dền vẫn tồn tại - giống như đã tồn tại trong cuộc chinh phục của người Tây Ban Nha.
Một cây rau dền duy nhất có thể tạo ra hàng trăm hạt giống - điều mà những người nông dân ở Qachuu Aloom đã ăn mừng khi trồng một số ít hạt giống của Magaly Salazar đã mang lại những túi hàng chục kg thu hoạch vào mùa sau.
Đối với nhiều nông dân bản địa ở Guatemala và Hoa Kỳ, trồng rau dền ngoài việc mang lại một mức độ độc lập về kinh tế nó còn mang lại một con đường dẫn đến chủ quyền về lương thực.
Xitumul, thành viên của Qachuu Aloom từ năm 2006 cho biết: “Rau dền đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các gia đình trong cộng đồng của chúng tôi, không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Trồng cây truyền thống đã cho phép nhiều nông dân Guatemala hỗ trợ gia đình của họ từ quê hương của tổ tiên, thay vì làm việc ở Thành phố Guatemala hoặc các đồn điền cà phê và chuối ven biển".
Gần đây hơn, trong trận đại dịch, Xitumul nói rằng những người có khu vườn riêng của họ, đặc biệt là trong các cộng đồng đã bị phong tỏa, cảm thấy yên tâm hơn khi biết họ có khả năng kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm của mình.
Một tuần trước khi có tuyên bố khẩn cấp về đại dịch ở Guatemala. Khi biên giới quốc tế bắt đầu đóng cửa, Tsosie-Peña phải vội vã trở về Hoa Kỳ. Nhưng vài tháng trước, sau khi vacxin được phân phối rộng rãi ở Mỹ, bà và một số thành viên của Qachuu Aloom quay trở lại Guatemala. Họ mang hạt giống từ cây rau dền mà họ từng trồng trong vườn nhà - hậu duệ của hạt giống của Qachuu Aloom và Magaly Salazar - để trồng trong một khu vườn chung.