Chúng ta đều biết rằng sự nóng lên toàn cầu có ảnh hưởng rất lớn tới cả con người và các loài động vật. Tuy nhiên bạn có bao giờ tự hỏi vậy động vật có thể có ảnh hưởng gì lên môi trường?
Một nghiên cứu gần đây tại ĐH Standford đã cho thấy ảnh hưởng của các loài sinh vật dưới đại dương lên khí hậu của chúng ta.
Những con tôm tí hon Artemis salina.
Nghiên cứu này tập trung vào phân tích chuyển động của các sinh vật dưới nước, để xem điều gì sẽ xảy ra nếu hàng nghìn cá thể cùng bơi theo một hướng? Liệu chuyển động quy mô lớn này có tác động gì lên dòng chảy đại dương hay vùng nước mà chúng bơi qua hay không?
Nhóm nghiên cứu này đã chế tạo những bể nước lớn và nuôi một loài tôm nước mặn có kích thước rất nhỏ, mang tên Artemis salina. Đây là một loài tôm sinh sống trong những vùng nước có độ mặn cao và được phát hiện từ rất lâu trên thế giới – khoảng từ năm 982.
Nước từ đáy biển sẽ bị đẩy lên trên bề mặt.
Họ mô phỏng chuyển động của loài tôm này trên đại dương bằng cách sử dụng đèn LED để điều khiển chúng bơi lên - xuống hàng ngày. Điểm khác biệt là ở môi trường đại dương, khoảng cách bơi của chúng là hàng trăm mét còn trong thí nghiệm này, chúng chỉ di chuyển vài mét trong bể mà thôi.
Trước khi những con tôm này bắt đầu chuyển động, các nhà khoa học đã đo đạc sự phân tầng nước. Họ nhận thấy nước loãng và nóng thường nổi lên trên bề mặt, trong khi nước có mật độ muối cao và nhiệt độ thấp hơn thì đọng lại ở đáy bể.
Tuy nhiên khi tôm bắt đầu bơi, mọi chuyện lại thay đổi. Nước ở dưới đáy bể được mang lên bề mặt, trong khi nước loãng và nóng hơn lại chìm xuống. Các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng những con tôm này phải tự tạo ra một lực đẩy để bơi lên, khiến cho nước bị nhiễu động mạnh.
Sự thay đổi này có ý nghĩa gì? Rất lớn - các nhà khoa học đều đồng tình như vậy. Bởi vì trong tự nhiên, sẽ có tới hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí cả triệu con cùng di chuyển một lúc, và chúng sẽ tạo ra sự khác biệt.
Chuyển động của loài tôm đã góp phần di chuyển phần nước mát hơn lên bề mặt và mang nước nóng hơn xuống đáy biển. Điều này gây ảnh hưởng đáng kể lên nhiệt độ trung bình của hành tinh chúng ta, theo hướng tích cực hơn vì nhiệt độ sẽ giảm đi.
Từ loài tôm nhỏ bé, mà quá trình biến đổi khí hậu có thể bị tác động rất lớn.
Tiến sĩ Dabiri – người đứng đầu dự án nghiên cứu này cho biết động lực học đại dương có mối quan hệ trực tiếp với sự thay đổi khí hậu toàn cầu thông qua sự tương tác với khí quyển. Vì thế nghiên cứu này có ý nghĩa đặc biệt cho việc khám phá những ảnh hưởng của loài vật lên môi trường Trái đất của chúng ta.